Để có “tế bào khỏe” cho xã hội

Thứ Sáu, 28/06/2019 | 17:10

Từ lâu, Đảng ta đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu: “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vai trò và tầm quan trọng của gia đình rõ ràng rất lớn. Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc đâu chỉ là chuyện của riêng mỗi nhà, mà ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Vì thế, tạo ra những “tế bào khỏe” cho xã hội phải được đặc biệt quan tâm.
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) đang phát sóng bộ phim “Về nhà đi con”, một tác phảm điện ảnh dài tập, không quá nhiều tình huống kịch tính nhưng gây sự chú ý của rất đông khán giả. Trong diễn biến của một gia đình mà người cha phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”, có bao nhiêu vấn đề nan giải trong gia đình thời buổi hiện nay. Đó là tính gia trưởng của người đàn ông trong gia đình, đó là suy nghĩ cổ hủ “trọng nam khinh nữ”, là sự lệch lạc trong suy nghĩ, nhận thức của con cái khi thiếu thốn sự quan tâm đúng lúc, đúng cách của người lớn trong nhà, là sự trượt ngã của con cái khi người lớn thiếu kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ con; và tình yêu thương, sự san sẻ khi được thay thế bởi sự nghi ngờ, thiếu lòng tin lẫn nhau sẽ là con đường ngắn nhất khiến hôn nhân tan vỡ… Và bên cạnh những vấn nạn ấy của gia đình, phim đưa ra thông điệp khi tình yêu thương, lòng vị tha lan tỏa sẽ dần hàn gắn lại những vết đau. Đó là hình ảnh người chị lớn trong gia đình thay mẹ chăm sóc hai đứa em, quan tâm gia đình lớn của mình đến hy sinh hạnh phúc riêng tư; tình yêu thương thầm lặng của người cha trước những tổn thương của con cái; tình yêu chân thật sẽ đủ sức hóa giải những con tim nông nổi tìm về nẻo sáng, và nhận ra đâu là tình yêu đích thực của đời mình…
Gia đình là tế bào của xã hội, nhưng nhìn vào thực tế, và qua lăng kính của các phương tiện thông tin đại chúng, ta dễ dàng nhận thấy gia đình hiện nay đang đứng trước những bờ vực nguy hiểm. Đó là nạn bạo lực gia đình. Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), tại Việt Nam những năm gần đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm. Một thống kê khác ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng 70.000 ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên. Tình trạng yêu vội sống cuồng, kết hôn rồi ly hôn chóng vánh, tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em… đang đặt ra những báo động khẩn cấp cho xã hội. Gia đình là tế bào xã hội, làm cho “tế bào khỏe” thì xã hội mới phát triển, tương lai đất nước mới phồn thịnh.
Nhìn rộng ra nhưng lại chính là giải pháp đầu tiên, đó là mục tiêu chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Khi đời sống người dân ổn định, không lo đói nghèo thì mới có điều kiện chăm lo, nuôi dạy con tốt hơn. Một đứa trẻ sinh ra trong đói nghèo, thiếu sự dạy dỗ, thiếu nền tảng kiến thức, giáo dục thì cánh cửa đi tới thành công sẽ rất hẹp. Nói như thế không có nghĩa là nhà giàu luôn nuôi con tốt. Một nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc giáo dục, nuôi dưỡng, hình thành nhân cách cho con trẻ từ khi con ở giai đoạn “măng”, dễ uốn nắn là điều vô cùng cần thiết. “Dạy con từ thuở còn thơ” bằng chính tấm gương sáng của người lớn. Sống trong sự giàu sang nhung lụa nhưng thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ thì con cái cũng dễ bị cám dỗ bởi những thói hư tật xấu. Vì rời khỏi cái nôi gia đình và môi trường giáo dục nhà trường, ngoài xã hội hiện nay “cỏ dại” chen lẫn với “hoa thơm”, bên cạnh người tốt - việc tốt thì những tệ nạn vẫn còn nhan nhản như những cạm bẫy đang chực chờ.
Chú trọng xây dựng văn hóa gia đình là một điều rất đáng quan tâm. Chúng ta từ lâu đã đề ra danh hiệu “gia đình văn hóa” nhưng không phải cứ nhà nào gắn biển “gia đình văn hóa” sẽ hiểu đúng về văn hóa gia đình. Văn hóa gia đình bao gồm những quy định “cứng” và “mềm”. Quy định cứng là những tiêu chí về gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua; các tiêu chí về nước sạch, vệ sinh môi trường, trẻ được đi học đúng tuổi quy định… Những quy định “mềm” thuộc về thuần phong mỹ tục, văn hóa, lễ nghĩa mà một mẫu hình gia đình truyền thống để lại cho chúng ta. Đó là gia đình hòa thuận, hạnh phúc, ông bà, cha mẹ và các thành viên trong gia đình được chăm sóc, phụng dưỡng… Những quy định mềm này mới có tính quyết định. Gia đình mà từng thành viên thuận thảo, yêu thương đùm bọc lẫn nhau thì nơi đó đã tự tạo bức tường thành vững chắc ngăn ngừa những thói hư tật xấu bên ngoài xã hội. Gia đình khi ấy sẽ là những “tế bào khỏe” làm sinh sôi những tế bào mới - khỏe tiếp nối cho xã hội.
Đảng ta đã khẳng định: xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020. Việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, sự quan tâm sát sao của các cấp, các ngành, nâng tầm nhận thức của mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều đóng vai trò và vị trí quan trọng trong việc kiến tạo những tế bào khỏe cho xã hội.  
CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.