Để không lãng phí đất công

Thứ Hai, 09/01/2023 | 16:24

Đất đai là một bộ phận cấu thành lãnh thổ, là tài nguyên vô cùng quan trọng của mỗi quốc gia. Đất đai còn là tư liệu sản xuất không thể thiếu, có ý nghĩa to lớn, gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; gắn liền với quyền và lợi ích trực tiếp của tất cả mọi người dân. Chính vì tầm quan trọng đó, việc phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Và câu chuyện về quản lý đất công cũng ngày càng nóng trên các phương diện bởi sử dụng hiệu quả và hợp lý quỹ đất công sẽ không chỉ giúp các địa phương đạt nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp tạo thêm nhiều nguồn thu cho Nhà nước từ nguồn tài nguyên này.

Hội nghị về giám sát tình hình quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.P

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ QUỸ ĐẤT CÔNG

Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, một thời gian khá dài các cấp ủy và chính quyền chưa thật sự chú trọng quan tâm trong việc quản lý, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên này cho mục đích chung, đặc biệt là tạo quỹ đất sạch đấu giá, thu hút đầu tư tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, trong đó tỉnh Bạc Liêu cũng không ngoại lệ.

Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu của tổ chức được giao quản lý và sử dụng đất như quản lý ranh giới, mốc giới, diện tích được giao; không để bị lấn, chiếm; thực hiện kê khai, đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) theo quy định nên công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có quỹ đất công cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất công vẫn còn hạn chế, còn xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai nhưng chậm khắc phục. Trên thực tế vẫn có chuyện như lãnh đạo UBND cấp xã cho người quen, người nhà, nhân viên mở quán cà phê, quán ăn, thậm chí để hộ dân xây dựng nhà ở, chiếm đất làm chợ… Một số đơn vị, tổ chức sử dụng đất nhưng chưa lập thủ tục để cấp Giấy CNQSDĐ theo quy định; có trường hợp để bị lấn, chiếm hoặc cho mượn, cho thuê không đúng quy định. Đất của Nhà nước nhưng lâu không cắm mốc đo đạc, không ngó ngàng đến nên người dân mạnh ai nấy chiếm, ban đầu chỉ che chòi bằng cây gỗ tạp, lâu dần cất nhà tiền chế rồi chiếm dụng để ở…

Đó là còn chưa nói đến tình trạng lộn xộn của các khu đất do Nhà nước quản lý nhưng có không ít hộ dân sử dụng, nên khi Nhà nước cần quỹ đất để phục vụ các công trình phát triển kinh tế - xã hội lại gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Một số khu đất do Trung tâm Phát triển quỹ nhà và đất quản lý nhưng không nhận được đất thực địa (chỉ quản lý trên giấy), từ đó bị cá nhân, tổ chức chiếm lúc nào không hay.

Đất rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu. Ảnh: K.P

NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ

Trước nhất, vì đất đai có nguồn gốc phức tạp, hồ sơ về đất đai lưu trữ qua nhiều thời kỳ bị thất lạc, chính sách, pháp luật đất đai thay đổi qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung; chính quyền địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm, chưa kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm đất đai. Bên cạnh đó, phải nói đến vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu qua các thời kỳ chưa chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng và khai thác quỹ đất công. Phần lớn quỹ đất công do cấp huyện, cấp xã quản lý chỉ trên giấy tờ, hồ sơ địa chính, không có ranh mốc, diện tích có sự chênh lệch so với hiện trạng, không có hồ sơ pháp lý và các thửa đất nằm rải rác, xen kẽ dẫn đến người dân lấn, chiếm sử dụng. Một số khu đất khi giao cho địa phương quản lý thì đã có một số hộ dân đang sử dụng nhưng tại thời điểm đó không nhanh chóng giải tỏa, di dời. Quỹ đất các công trình, trụ sở cũ đã thu hồi, sắp xếp lại dôi dư nhưng chưa giao, đất chưa sử dụng thì phần lớn người dân lấn, chiếm, sử dụng để xây dựng nhà ở, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản... nhưng không có cơ quan nào xử lý.

Mặt khác, quỹ đất thu hồi giao cho Trung tâm Phát triển quỹ nhà và đất tỉnh quản lý thì đa số các khu đất không giao được mốc giới tại thực địa, khu đất nhỏ lẻ, từ đó gây khó khăn cho công tác tiếp nhận và quản lý, khai thác quỹ đất này nhằm thu hút đầu tư, đấu giá. Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (quỹ đất 5%) do UBND cấp xã quản lý lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, chưa đăng ký vào hồ sơ địa chính để quản lý; cho thuê không thông qua đấu giá, thời gian thuê đất quá 5 năm nhưng không có lập hợp đồng, có địa phương cho mượn quỹ đất này để các hộ gia đình, cá nhân sử dụng sai quy định.

CẦN QUẢN LÝ CHẶT CHẼ

Từ thực trạng nêu trên, để chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với vấn đề quản lý đất công, trước hết cần quản lý chặt quỹ đất từ cấp xã. Theo đó, chính quyền cấp xã cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất theo Luật Đất đai. Hằng năm, UBND huyện phải chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất công theo thẩm quyền, theo địa bàn mình quản lý vì đã qua hầu như cấp huyện không thực hiện chức năng này.

UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã khẩn trương đo đạc, cắm mốc lập hồ sơ địa chính đối với quỹ đất công ích của xã (diện tích không quá 5%) báo cáo UBND tỉnh để ban hành văn bản công nhận chính thức. Đối với diện tích còn lại (vượt quá 5%) được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng hoặc được sử dụng để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất. Đối với các khu đất công được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư (đất chưa sạch), UBND cấp huyện phải tích cực hỗ trợ nhà đầu tư để thực hiện giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao đất theo tiến độ như ở Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc xã Hưng Thành; Dự án nuôi tôm công nghệ cao Vinashrimp thuộc huyện Hòa Bình.

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2023 sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất công. Đối với đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp chưa đăng ký, kê khai cấp Giấy CNQSDĐ thì yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh rà soát các đơn vị trực thuộc mình quản lý để thực hiện kê khai, đăng ký cấp Giấy CNQSDĐ. Trường hợp không thực hiện thì xử lý theo quy định tại Điều 17 Nghị định 91.

Đối với đất nông nghiệp do UBND xã quản lý, trường hợp bị lấn, chiếm sau ngày 1/7/2014 thì kiên quyết xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế và giao Trung tâm Phát triển quỹ nhà và đất tỉnh để quản lý theo quy định. Đối với diện tích đất công còn lại (đất sạch, chưa đưa vào sử dụng) yêu cầu chính quyền các địa phương; Trung tâm Phát triển quỹ nhà và đất; các đơn vị được giao quản lý đất công tổ chức đo đạc, cắm mốc (hoặc làm hàng rào), lập phương án khai thác trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đưa đất vào sử dụng hiệu quả.

KIM PHƯỢNG

Tính đến tháng 4/2021, toàn tỉnh có tổng quỹ đất công là 14.057,36ha. Trong đó, đất đang được các đơn vị trực tiếp quản lý là 10.402,25ha (chiếm 74%); đất bị lấn, chiếm 3.307,95ha (23,53%); đất cho mượn, cho thuê không đúng quy định 347,17ha.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.