Đời sống - Xã hội
Diện mạo mới ở vùng có đông đồng bào Khmer
Trong những năm qua, đời sống đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Để có được thành công đó, ngoài sự chăm lo của Đảng và Nhà nước còn phải kể đến sự nỗ lực không ngừng vươn lên của đồng bào, góp sức xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng phát triển.
Đường giao thông nông thôn liên ấp ở xã Ninh Quới (huyện Hồng Dân) được xây dựng đồng bộ, khang trang.
Bừng sáng những xóm, ấp
Để “giao thông đi trước mở đường”, những năm qua, bằng việc vận dụng tốt các nguồn vốn ưu tiên cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương nơi có đông đồng bào Khmer đã luôn nỗ lực để hoàn thiện từng tuyến đường, con lộ, cây cầu, giúp kết nối những địa bàn vùng sâu, vùng xa trở nên gần hơn. Đến nay, 100% các cụm, tuyến dân cư nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã. 100% xã, phường, thị trấn và 100% xóm ấp có điện lưới quốc gia; 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của đồng bào...
Công tác vận động đưa trẻ đến trường cũng được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, tạo điều kiện. Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào Khmer tiếp tục được chú trọng thực hiện; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer được giữ gìn và phát huy. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục ổn định. Công tác xây dựng Đảng, đoàn thể và đào tạo cán bộ ở vùng đồng bào dân tộc Khmer được chú trọng với số lượng đảng viên hằng năm đều tăng. Các cơ sở đảng, tổ chức chính trị - xã hội được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, cho biết: “Huyện luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc đầu tư, thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đối với công tác giảm nghèo, huyện chú trọng trợ giúp người nghèo trong tiếp cận thông tin, nguồn lực, chương trình, chính sách và dịch vụ xã hội”.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân Khmer phát triển sản xuất thuận lợi, nâng cao thu nhập. Ảnh: C.L
Chung tay, góp sức phát triển quê hương
Hưởng lợi từ các chính sách, chương trình ưu tiên của Đảng và Nhà nước, đồng bào Khmer rất phấn khởi, luôn nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Những công trình dân sinh như: xây cầu, làm đường, xây trường, kéo điện… khi được chính quyền địa phương họp dân thông báo triển khai theo phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đều được bà con tán thành rất cao. Nhiều hộ còn không ngần ngại chủ động phát dọn cây xanh, tạo mặt bằng lộ đất đen, cho sử dụng điện, nước miễn phí để phục vụ thi công các công trình. Nhờ vậy, các dự án được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thiện để đưa vào vận hành, khai thác, phục vụ chung cho cộng đồng, góp phần làm thay đổi những vùng quê. Ông Danh Tường (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân), chia sẻ: “Trước đây mỗi khi họp dân để bàn chuyện làm lộ, xây cầu, cất nhà văn hóa ấp… còn có hộ bàn ra, nói vào muốn phải được hỗ trợ mặt bằng. Nhưng những năm gần đây, chỉ cần chính quyền địa phương họp bàn xây dựng các công trình công cộng, phục vụ lợi ích chung của xóm ấp thì mọi người ủng hộ rất cao. Bởi vậy, giờ đường sá liên ấp, liên xã, lên huyện “ngon lành” không phải mất nhiều thời gian di chuyển như trước, các em nhỏ cũng đến trường vui vẻ, thuận tiện hơn rất nhiều”. Cùng với đó, vai trò tích cực của người có uy tín cũng được phát huy trong công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng trong đồng bào.
Không chỉ phát huy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, đồng bào Khmer còn chủ động trong phát triển kinh tế gia đình. Từ các nguồn vốn ưu đãi được tiếp cận, bà con đã hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh, hiệu quả và bền vững. Ông Thạch Mít (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) phấn khởi: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương mà nhiều hộ Khmer trước đây có cuộc sống rất khó khăn nay đã có vốn làm ăn, phát triển kinh tế, đời sống nhờ vậy mà đã ổn định và khấm khá hơn trước rất nhiều”.
Có thể thấy, các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước đã phát huy hiệu quả tích cực, làm đổi thay diện mạo xóm ấp, đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Đây cũng là động lực giúp đồng bào Khmer thi đua lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa.
Song Nguyên