Đời sống đồng bào Khmer ở Bạc Liêu ngày càng khởi sắc

Thứ Tư, 01/01/2025 | 17:03

Với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của đồng bào Khmer. Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống ngày càng đổi thay, bà con yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần chung sức xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng phát triển.

“Quả ngọt” từ nông thôn mới

Có dịp về các xã có đông đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Hồng Dân hôm nay, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo nông thôn nơi đây. Những cây cầu giao thông nông thôn kiên cố, các con đường bê-tông liên ấp, liên xã phục vụ đi lại và giao thương hàng hóa của người dân được thuận tiện, nhanh chóng. Đèn điện bừng sáng những xóm, ấp khi đêm về với những công trình “Thắp sáng đường quê”; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa không ngừng được đầu tư, xây dựng trên những phần đất do chính bà con Khmer hiến tặng, đồng thời góp công, ra sức xây dựng hoàn thiện… Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với quyết tâm nỗ lực vươn lên mà cuộc sống nghèo khổ trước đây đã được đẩy lùi, bà con Khmer đã có cuộc sống vui tươi, ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.

Ông Danh Sai - người có uy tín trong cộng đồng ở ấp Bà Gồng (thị trấn Ngan Dừa), cho biết: “Qua hơn 12 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đổi thay rõ nét, nhất là về hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đường sá thông thoáng thì những căn nhà lá xập xệ đã dần nhường chỗ cho những ngôi nhà kiên cố, tiện nghi sinh hoạt hiện đại…”.

Với phương châm “trao cần câu không trao xâu cá”, các địa phương nơi có đông bà con Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ vốn, vật nuôi, phương tiện sản xuất… Đồng thời tận tình hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu mô hình sản xuất, canh tác hiệu quả và phù hợp cho từng hộ gia đình, từng vùng nông thôn. Nhờ vậy mà thu nhập của người dân không ngừng được tăng lên, đời sống kinh tế cũng ngày một khấm khá, ổn định cuộc sống. Có thể điển hình như hộ ông Diệp Văn Cọp (ấp Bà Ai 1, xã Lộc Ninh), luôn phát huy tính gương mẫu, nói đi đôi với làm. Không chỉ tiên phong thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gia đình ông Cọp còn tiên phong trong phong trào lao động, sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Tâm nguyện của ông Cọp và nhiều bà con Khmer ở vùng sâu này là nỗ lực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả để góp phần xây dựng quê hương Hồng Dân mình ngày càng đổi mới, đi lên.

Mô hình luân canh tôm - lúa - cá giúp nhiều nông dân Khmer huyện Hồng Dân ổn định cuộc sống. Ảnh: C.L

Phát triển toàn diện

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS) và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Bạc Liêu đã và đang thực hiện nhiều công trình, dự án phát triển vùng đồng bào DTTS với nguồn vốn được Trung ương phân bổ là 58,4 tỷ đồng và hơn 8,7 tỷ đồng nguồn đối ứng của tỉnh. Từ nguồn vốn này, hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, bố trí sắp xếp ổn định dân cư; chuyển đổi ngành nghề, giải quyết sinh kế cho hàng ngàn hộ gia đình đồng bào Khmer; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho bà con... Hiện, các địa phương nơi có đông bà con đồng bào sinh sống trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với hiện nay; không còn hộ diện hộ nghèo và bà con có chỗ ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất.

Để đạt mục tiêu này, các địa phương đang tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đồng bào DTTS sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

Cùng với đó, chú trọng việc hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Hướng bà con vào các hợp tác xã, sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn để thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hiệu quả kinh tế kém, đồng thời chuyển giao những mô hình kinh tế hiệu quả, hướng dẫn người dân sản xuất. Theo Thượng tọa Tăng Sa Vong - Trụ trì chùa Buppharam, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh: “Đời sống đồng bào Khmer đã và đang ngày một phát triển về mọi mặt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới từng bước làm thay đổi bộ mặt xã hội từ thành thị đến nông thôn, tình hình an ninh chính trị ổn định, kinh tế phát triển, cuộc sống của Nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào Khmer phát triển so với trước đây. Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh quyết tâm đoàn kết nhất trí một lòng cùng các dân tộc anh em giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.