Đời sống - Xã hội
Đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội: Vất vả nhận hỗ trợ
Nhiều nơi trên cả nước, trong đó có người dân ở các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu phản ánh về tình trạng khó khăn khi nhận tiền chính sách, bảo trợ xã hội khi chuyển sang hình thức chi trả không dùng tiền mặt. Người dân mong muốn các ngành chức năng nghiên cứu giải pháp hợp lý để bà con có thể nhận tiền dễ dàng.
Tại huyện Hồng Dân, không ít trường hợp người có công, người thuộc diện bảo trợ xã hội phản ánh, từ khi Bưu điện kết hợp với Ngân hàng Nam Á để thực hiện chi trả tiền, người hưởng thụ đã gặp nhiều khó khăn. Trước nhất là địa phương có rất ít trụ ATM của Ngân hàng Nam Á, nhiều người phải thuê xe ôm về các trung tâm xã, huyện hoặc nhờ người thân đi rút tiền. Anh N.V.A (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) cho biết, việc ủy quyền cho người nhà đi rút tiền cũng gặp khó khăn, kể từ sau khi có yêu cầu phải thực hiện sinh trắc học. Nhiều người già không có điều kiện đến Ngân hàng cập nhật sinh trắc học thì không thể nhờ người quen đi rút tiền thay hay ủy quyền được.
Bên cạnh đó, đối tượng bảo trợ xã hội - chủ yếu là người khuyết tật, người già yếu, đơn thân, mỗi tháng chỉ nhận 500.000 đồng nhưng vẫn phải nhận thông qua tài khoản ngân hàng. Đây là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, chưa có tài khoản ngân hàng; nhiều người không biết chữ, không có điện thoại thông minh hoặc không biết sử dụng điện thoại trong giao dịch rút tiền; không có phương tiện di chuyển từ nhà đến điểm rút tiền…
Chưa kể việc chi trả chế độ cho gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội bằng phương thức không dùng tiền mặt còn làm phát sinh phí thường niên, phí rút tiền, phí ngân hàng… Một vấn đề khác là các điểm rút tiền (máy ATM, Bưu cục văn hóa cấp xã) chưa đảm bảo phủ đều khắp các địa bàn. Không ít nơi Bưu điện cắt giảm nhiều điểm chi trả ở khóm, ấp, gây khó khăn cho đối tượng đến nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Trụ ATM phục vụ rút tiền của Ngân hàng liên kết lại chưa được đầu tư nhiều.
Về vấn đề này, vào tháng 1/2025, Bộ LĐ-TB&XH (hiện là Bộ Nội vụ) cũng đã có trả lời cho cử tri nhiều địa phương trên cả nước. Theo đó, Bộ cho biết, các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội phần lớn là người cao tuổi, người yếu thế, vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, thao tác nhận trợ cấp thông qua tài khoản điện tử nên tâm lý e ngại, vẫn muốn được nhận trợ cấp bằng tiền mặt. Các địa phương ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hiện nay còn hạn chế tiêu dùng thông qua tài khoản (hệ thống ngân hàng thương mại phát triển chưa đồng bộ; khoảng cách địa lý vùng, miền; chi phí cho việc dùng tài khoản ngân hàng...). Vì vậy, Bộ đề nghị UBND các tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương tập trung thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp cận công nghệ hoặc đã có tài khoản ngân hàng. Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác phù hợp theo quy định.
Mặc dù Trung ương đã có ý kiến như vậy, nhưng đến nay, tình trạng khó khăn vẫn còn nhiều ở các địa phương. Từ những lý do trên, thiết nghĩ các đơn vị chi trả cần nghiên cứu hình thức hỗ trợ cho bà con có thể nhận tiền dễ dàng, hợp lý hơn.
Kim Kim
- Hơn 220 vận động viên tham dự Giải cầu lông Lê Giang mở rộng lần II năm 2025 - Tranh cúp TC Sport
- Hỗ trợ chuyển đổi số, tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp
- Hải đoàn 42 kịp thời giúp Nhân dân dập tắt đám cháy
- Phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2025
- 2 kẻ “buôn người” chia nhau 26 năm tù