Đồng bào Khmer ở Bạc Liêu: Rộn ràng tổ chức lễ hội Dâng y Kathina

Thứ Sáu, 25/10/2024 | 14:26

Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh đang tưng bừng tổ chức lễ Dâng y Kathina năm 2024 tại 22 ngôi chùa Phật giáo Nam tông. Trong không khí trang nghiêm, các thí chủ thành kính dâng y và tỳ kheo thọ y. Đây là một truyền thống tốt đẹp đã được gìn giữ và phát huy suốt gần 2.600 năm qua.

Đông đảo người dân tham gia lễ rước y Kathina.

Nhiễu y Kathina và bông bạc 3 vòng quanh chánh điện.

Cầu cho phum sóc ấm no, an lành

Sáng 18/10, tại chùa Ghositaram (chùa Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), 4 gia đình đại thí chủ cùng phật tử trong vùng dâng y Kathina, chúc mừng các nhà sư hoàn mãn mùa an cư kiết hạ Phật lịch 2568. Đây là ngôi chùa đầu tiên của tỉnh tổ chức lễ hội này trong năm 2024.

Sau nghi thức nhiễu y trong khuôn viên tự viện, phật tử tập trung về chánh điện lễ bái Tam bảo và lắng nghe Hòa thượng Hữu Hinh - Trụ trì chùa, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh thuyết pháp về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Dâng y Kathina. Hòa thượng cùng chư tôn đức nạp thọ Y ca-sa, hồi hướng công đức đến các gia đình tín chủ, nguyện cầu cho đồng bào phum sóc cuộc sống ấm no, an lành, nguyện theo đúng phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Ngay sau mùa an cư kiết hạ của chư tăng, các chùa sẽ ấn định cụ thể một ngày tổ chức lễ Dâng y Kathina chính thức rồi thông báo cho phật tử trong phum sóc biết để tiến hành. Sau chùa Ghositaram, chùa Soryaram (chùa Cái Giá giữa, xã Hưng Hội); chùa Sala Pôthichum (chùa Trà Kha, Phường 8), chùa Prochumsakor-Pôliêu Thmây (chùa Phường 7, TP. Bạc Liêu); chùa Kos Thmây (chùa Điền, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình), chùa Seraysophonaram (chùa Chệt Xỉa, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân)… cũng lần lượt tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống đã có từ hàng ngàn năm qua. Thí chủ dâng y, lễ vật có thể là vài gia đình - gọi là đại thí chủ, hoặc có khi tập thể phum sóc đồng lòng thành lập đoàn dâng y, mừng khánh tuế chư tăng thêm một tuổi hạ. Lễ hội có sự tham gia đông đảo của đồng bào Khmer và các vị sư đến từ những ngôi chùa khác trong tỉnh; diễn ra trang trọng với nghi thức chào Quốc kỳ và đạo kỳ, nhiễu y quanh chùa, dâng lễ Tam bảo, thọ y và cử hành nghi lễ chúc phúc đến gia đình thí chủ, nguyện cầu cho quốc thái, dân an.

Thiếu nữ Khmer trong điệu múa truyền thống mừng lễ Dâng y Kathina.

Phật tử dâng tịnh tài.

 Chư tôn đức thọ nạp y báu.

Làm mới tâm hồn, tinh thần

Hằng năm, từ 16/9 đến 15/10 (âm lịch), chư tăng Phật giáo Nam tông trải qua an cư 3 tháng mùa mưa để chuyên tâm tu tập. Sau lễ Tự tứ vào ngày 16/9 (âm lịch), Phật giáo Nam tông Việt Nam đồng khởi động mùa lễ hội Dâng y Kathina. Lễ hội này có từ thời Đức Phật tại thế, mang ý nghĩa đặc biệt và trở thành nét đặc trưng của Phật giáo Nam tông. Hòa thượng Tăng Sa Vong - Trụ trì chùa Buppharam (chùa Cái Giá chót, xã Hưng Hội), Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh giảng giải thêm về ý nghĩa của lễ hội: “Lễ an vị tượng Phật cũng mua đại bộ y dâng, một số lễ khác cũng tương tự, còn lễ Dâng y Kathina quan trọng hơn bởi thí chủ và người lãnh y đều nhận hưởng được 5 phước báu trong 5 tháng (đến rằm tháng Giêng năm sau) theo lời Đức Phật dạy”.

Mặc dù trải qua nhiều biến đổi theo thời gian, lễ hội Dâng y Kathina vẫn giữ nguyên những nghi thức cốt lõi, thể hiện sự tôn trọng đối với giáo luật Phật giáo. Trong suốt một tháng diễn ra lễ hội, các chùa Phật giáo Nam tông không ngừng tổ chức các nghi lễ trang nghiêm, khiến mùa Kathina trở thành một nét văn hóa đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Lễ Dâng y Kathina là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng nhất của Phật giáo nguyên thủy, mang đậm dấu ấn từ thời Đức Thế Tôn tại thế.

Bài và ảnh: Hoàng Quân

Theo giải thích của các vị cao tăng Phật giáo Nam tông trong tỉnh, “Kathina” là một từ Pali mang nhiều ý nghĩa, thường được phiên âm là Ca-thi-na, Ca-hi-na, Kiết-sĩ-na... và có nghĩa là “mảnh vải mới”, “tấm y mới” hay “sự kiện làm mới”. Vì vậy, lễ Dâng y Kathina không chỉ là nghi thức dâng cúng y phục mà còn tượng trưng cho việc làm mới tâm hồn, tinh thần. Thời Đức Phật, tấm y màu trắng do phật tử cúng dường, các tỳ kheo tập trung lại may. Giờ đây, thí chủ phát tâm mua, dâng y, gồm: y nội, y vai trái và y tăng-già-lê (riêng y tăng-già-lê chỉ dành cho tỳ kheo); ngoài ra còn cúng tịnh tài, tịnh vật để tu sửa cơ sở thờ tự và làm thiện nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.