Đưa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả

Thứ Hai, 16/09/2024 | 16:09

Những năm qua, TP. Bạc Liêu đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trong vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, trong đó có giải pháp tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Quang cảnh lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn xã Vĩnh Trạch Đông. Ảnh: T.Q

Tạo sinh kế ổn định

Không đất sản xuất, thu nhập chính của gia đình anh Thạch Nga (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông) dựa vào nghề đặt nò trên sông. Mỗi ngày vất vả lặn ngụp nhưng thu nhập cũng chỉ hơn 100.000 đồng. Anh phải tranh thủ đi làm thuê để bữa cơm gia đình 4 miệng ăn không bị thiếu hụt. Mong ước của vợ chồng anh là chăn nuôi thêm gà, vịt để có thêm thu nhập, song do thiếu kiến thức về phòng trị bệnh cho gia cầm nên chưa mạnh dạn nuôi. Nắm bắt được nhu cầu của gia đình, mới đây, UBND xã Vĩnh Trạch Đông tạo điều kiện cho anh tham gia lớp “Chăn nuôi và phòng trị bệnh cho vịt”, đồng thời hỗ trợ con giống, thức ăn để gia đình phát triển mô hình nuôi vịt xiêm Pháp. Có kiến thức, kỹ thuật nên đàn vịt phát triển nhanh, tỷ lệ hao hụt rất ít. Anh Nga cho biết, sau khi đàn vịt cứng cáp, anh sẽ bao lưới, làm chuồng nuôi thả và tranh thủ đặt thêm nò bắt cá cho vịt ăn để tiết kiệm chi phí. Dự kiến, sau 3 tháng nuôi sẽ gả bầy và tái đàn với số lượng nhiều hơn, giúp gia đình có nguồn thu ổn định dài lâu.

Anh Lâm Rich Thi (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông) gắn bó với nghề làm rẫy hàng chục năm nay nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Theo anh, dù có kinh nghiệm song anh vẫn còn thiếu kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, phát triển các loại rau màu cho kinh tế cao hơn. Do đó đầu năm 2023, sau khi được tham gia lớp “Kỹ thuật trồng rau an toàn”, anh có thêm kiến thức, kỹ thuật trồng củ cải, dưa leo, bí… Với kiến thức học được, anh bắt đầu cải tạo, nâng cao 3 công đất đầu tư trồng dưa leo. Vụ thu hoạch đầu tiên, anh có lãi gần 40 triệu đồng. Hiện anh đang xuống giống khổ qua, dưa leo và một số rau màu khác, hứa hẹn cho nguồn thu nhập khá, bền vững.

Có thể thấy, qua việc tham gia các lớp đào tạo nghề không chỉ giúp LĐNT có được nghề phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống mà còn nâng cao hiệu quả của việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng áp dụng các kiến thức khoa học vào sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.

Anh Lâm Rich Thi chăm sóc giàn khổ qua.

Tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm, và đổi mới sáng tạo cho LĐNT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất - kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân. Tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn.

Tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; quan tâm đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề.

Đào tạo nghề cho LĐNT cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo cho LĐNT, nhất là hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề.

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện. Mặt khác, cần khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho LĐNT… Tiếp tục nâng cao chất lượng, số lượng LĐNT được đào tạo nghề, gắn với nhu cầu của thị trường; hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn. Đây là nội dung thuộc thành phần 3 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững.

Thanh Vũ

----------------------------

Theo Phòng LĐ-TB&XH thành phố, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung Hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho LĐNT; đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng LĐNT trên địa bàn thành phố. Năm 2024, đơn vị dự kiến đào tạo 17 lớp dạy nghề (có 2 lớp năm 2023 chuyển sang) cho học viên các xã: Hiệp Thành, Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông, với kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Đối với vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ nguồn vốn năm 2023 chuyển sang và nguồn vốn năm 2024 trên 1 tỷ đồng (năm 2024 là hơn 680 triệu đồng), Phòng đã phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở tham gia dạy nghề mở được 12 lớp dạy nghề từ 1,5 - 3 tháng cho học viên tại xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch, xã Vĩnh Trạch Đông và các phường nội ô.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.