Đời sống - Xã hội
Gánh nặng mưu sinh
Thường bắt đầu từ 4 giờ sáng, khi mọi người còn chìm sâu trong giấc ngủ, thì nhiều người đã ra khỏi nhà, tất tả với công việc mưu sinh của mình. Từ người công nhân vệ sinh môi trường, bán hàng rong, bán vé số dạo, nhặt phế liệu, đến người hành nghề chạy xe ôm…, dù trời nắng hay mưa thì họ vẫn tần tảo lao động kiếm tiền, bởi phía sau họ còn có cha mẹ già, những đứa con đang trong tuổi học hành cần được chăm lo, nuôi dưỡng.
Những gánh hàng rong tại chợ Phường 1 (TP. Bạc Liêu).
Mười mấy năm nay, ngày nào cũng vậy, dù trời nắng hay mưa thì ông Lê Văn Thắng (Phường 5, TP. Bạc Liêu) cũng dắt chiếc xe cà tàng ra khỏi cổng khu nhà trọ đang ở, rong ruổi trên khắp các nẻo đường để mưu sinh với nghề bán và mài dao, kéo. Một ngày vất vả lao động, hôm nào đắt hàng thì “bỏ túi” được khoảng 150.000 - 300.000 đồng; còn gặp ngày mưa, bán buôn ế ẩm thì chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Vợ ông Thắng nay ốm mai đau, không thể phụ giúp chồng lao động kiếm sống, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào công việc của ông Thắng, do đó ông không dám nghỉ một ngày nào.
Còn trường hợp của chị Hồng Thắm (ngụ Phường 1, TP. Bạc Liêu) dù mang trong người căn bệnh thấp khớp, thân thể thường xuyên đau nhức nhưng vì gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền nên ngày nào chị cũng cố gắng đẩy chiếc xe bán bò viên từ xế chiều đến gần nửa đêm. Chị Thắm chia sẻ: “Người ta có sẵn đồng vốn thì dễ tính chuyện làm ăn, còn mình ít vốn thì đành phải chịu. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa bán buôn ế ẩm lắm. Có hôm mới đẩy xe ra khỏi nhà là trời đổ mưa, phải kiếm chỗ trú, đó là chưa kể những hôm nước ngập đường càng khổ. Mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ có thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng. Kiếm được đồng nào thì hay đồng nấy chứ không dám nghỉ, vì có cả trăm thứ để chi: ăn uống, điện nước sinh hoạt hàng ngày, học phí của con…”.
Lội nước bán hàng rong. Ảnh: T.Q
Bước vào tuổi xế chiều, lẽ ra phải được an yên, vui vầy bên con cháu, nhưng vì kinh tế gia đình quá eo hẹp nên mỗi ngày, tầm 4 giờ sáng là bà Trương Thị Liên lại quảy đôi quang gánh nặng trên 30kg, lặn lội từ ấp Sóc Đồn (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) đến các khu dân cư trên địa bàn TP. Bạc Liêu để bán. “Nhà không ruộng đất, nhờ gánh hàng rong này mà tôi đã nuôi được các con lớn khôn. Còn sức thì còn làm phụ với con cháu, chứ nghỉ bán thì cuộc sống bẩn chật lắm”, bà Liên bộc bạch.
Hơn 10 năm nay, khi trời vừa sụp tối là mẹ con chị Phạm Thị Lệ (ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) lại xuống chiếc xuồng cũ kỹ đi giăng bắt cá đến 4 giờ sáng mới trở về nhà. Một đêm thức trắng, mà số tiền có được từ việc bán cá cũng không nhiều, chỉ hơn 100.000 đồng nên cuộc sống của hai mẹ con chị thường xuyên túng thiếu. “Nhà không có đất sản xuất, không có sức khỏe để lao động nặng, nên đành chọn nghề này. Chứ dầm nước, thức đêm thức hôm, nhiều bữa về bị cảm mạo, tôi chỉ dám mua đỡ liều thuốc uống, hôm sau lại tiếp tục công việc chứ không dám nghỉ”.
Đây chỉ là một vài trong số nhiều người nghèo phải vất vả lao động mưu sinh. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng họ vẫn kiên trì và quyết tâm vươn lên bằng công sức của mình để chăm lo cho gia đình bằng đồng tiền lao động chân chính.
Minh Luân
- Tổ chức chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” tại xã Vĩnh Thịnh
- Huyện Phước Long: Tổng kết tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2024
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm, chúc tết vùng căn cứ huyện Đông Hải
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Cần nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục nằm trong chuỗi sự kiện Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025
- Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bạc Liêu bị bắt