Hòa Bình: Triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu, 27/09/2024 | 17:01

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, huyện Hòa Bình đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ đó đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Kiệt cho trâu ăn.

ĐA DẠNG MÔ HÌNH KINH TẾ

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo, năm 2024, huyện Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo. Trong đó, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho hộ nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả.

Theo đó, từ nguồn vốn được phân bổ trên 8,8 tỷ đồng, huyện đã triển khai các dự án, tiểu dự án, như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin… Thông qua các dự án hỗ trợ này đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình, địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, vùng sản xuất tập trung để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập.

Trong các mô hình giảm nghèo hiệu quả thì mô hình trồng rau má được nhiều hộ trên địa bàn huyện áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từng là hộ nghèo, nhờ vào nghề làm thuê và sự hỗ trợ của chính quyền, anh Lý Bá Thành (ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình) đã vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, vào năm 2023, do mắc bệnh gout và tai biến nhẹ nên anh mất sức lao động, cuộc sống gia đình giờ chỉ dựa vào 1,5 công đất trồng rau má. Đầu năm 2024, gia đình anh được chính quyền hỗ trợ hơn 8 triệu đồng từ Dự án trồng rau má, đồng thời hỗ trợ anh tham gia lớp kỹ thuật trồng rau má. Có vốn, có kiến thức, anh bắt tay cải tạo vườn rau, đem lại năng suất cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí, anh còn lãi từ 2 - 4 triệu đồng.

Với người nghèo, ít đất sản xuất thì mô hình trồng rau má chính là “cứu cánh”. Người dân có thể tận dụng đất trống, bờ ruộng để trồng. Sau khi gieo trồng khoảng 30 - 40 ngày, có thể bắt đầu thu hoạch rau và thu hoạch nhiều lần trong năm. Điều này giúp các hộ dân tạo nguồn thu nhập ổn định và liên tục, có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Nuôi trâu cũng là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với hộ nghèo, cận nghèo vì có thể sử dụng nguồn lao động ở các độ tuổi, tận dụng thời gian nhàn rỗi của lao động. Đầu năm 2024, ông Nguyễn Văn Kiệt (ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình) được hỗ trợ con trâu giống trị giá 18 triệu đồng. “Nhờ chính quyền tặng con trâu giống, giúp tôi có thêm động lực để làm ăn. Với nguồn thức ăn dồi dào sẵn có nên chi phí chăn nuôi thấp, trong khi đó trâu thương phẩm lại có giá trị kinh tế cao, hứa hẹn giúp cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả về sau”, ông Kiệt chia sẻ.

Ngoài các mô hình trên, các địa phương cũng tích cực thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để phát triển sản xuất cho người dân như: trồng hẹ, cải xà lách xoong; nuôi cá nước ngọt; nuôi vịt, gà; nuôi heo sinh sản, heo thương phẩm; mô hình tôm - cá, lúa - cá; nuôi dê, nuôi bò sinh sản... Từ đó giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các thành viên Nghiệp đoàn bốc xếp Hợp tác xã Vĩnh Cường khuân vác lúa. Ảnh: T.Q

ĐA DẠNG HÓA SINH KẾ, PHÁT TRIỂN NHIỀU MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO

Bên cạnh chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thì việc đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước, các mô hình của hội, đoàn thể, các hợp tác xã (HTX) cũng góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của Hòa Bình. Tùy theo nhu cầu của từng hộ mà các đơn vị có những hoạt động hỗ trợ khác nhau.

HTX nông nghiệp Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B) được thành lập năm 2016. Những năm đầu, đời sống của nhiều thành viên HTX khá khó khăn, chỉ có vài công đất, thu nhập bấp bênh. Nhằm tạo thêm điều kiện cho các thành viên, nhất là thành viên nghèo có thu nhập ổn định, năm 2018, HTX thành lập mô hình Nghiệp đoàn bốc xếp HTX Vĩnh Cường, gồm 100 thành viên. Qua vài năm hoạt động, đến nay thành viên đã tăng lên 250 người, chia làm 11 tổ. Ngoài tạo việc làm tại địa phương, HTX còn ký hợp đồng bao tiêu lúa với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng… giúp thành viên có thu nhập bình quân từ 0,6 - 1 triệu đồng/người/ngày. Thu nhập ổn định, đời sống các thành viên từng là hộ nghèo ngày nào giờ đã được nâng cao, kinh tế ngày càng dư dả.

Là đơn vị điển hình thành công trong phát triển kinh tế tập thể của Hòa Bình nói riêng và tỉnh nói chung, hơn chục năm qua, HTX nuôi nghêu Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh) đã tạo việc làm ổn định cho hơn 500 xã viên. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, HTX đã góp phần cùng địa phương giúp hơn 300 hộ dân các xã: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A… thoát nghèo bền vững. Trong đó, có những hộ đã vươn lên khá, giàu từ bãi nghêu.

“Gia đình tôi tham gia HTX hơn 7 năm và thu nhập chính từ bãi nghêu này. Chúng tôi nhận cào nghêu gần như quanh năm. Với tiền công lao động của 3 người, trung bình mỗi tháng cũng hơn 12 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi thoát nghèo từ năm 2021 và trong năm 2022 đã cất được căn nhà cấp 4, cuộc sống cũng ổn định hơn trước”, ông Nguyễn Văn Hùng - xã viên HTX nuôi nghêu Đồng Tiến, cho biết.

Nhờ các giải pháp linh hoạt như trên mà những năm qua công tác giảm nghèo của Hòa Bình đã đạt nhiều kết quả trên kỳ vọng. 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện còn 617 hộ nghèo, chiếm 2,19% (giảm 60 hộ), còn 921 hộ cận nghèo, chiếm 3,27% (giảm 16 hộ). Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 2% (tương đương 438 hộ), cận nghèo đạt 2,5% (tương đương 508 hộ).

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả dự án, mô hình giảm nghèo bền vững, thời gian tới huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân các xã, thị trấn, các hộ nghèo, cận nghèo về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững tại các địa phương. Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến người dân, nhất là người nghèo bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung nhằm khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huyện cũng sẽ triển khai và thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và các chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo. Đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ về giống và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Xây dựng nhiều mô hình ứng dụng có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và những mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất của hộ nghèo. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông phục vụ sản xuất và đời sống. Khuyến khích doanh nghiệp và HTX liên kết trong sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất - kinh doanh phù hợp với người nghèo... Từ đó góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.

MINH LUÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.