Huyện Đông Hải: Đa dạng hình thức tuyên truyền giảm nghèo về thông tin

Thứ Sáu, 25/10/2024 | 15:32

Để hỗ trợ người nghèo tiếp cận thông tin, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình), huyện Đông Hải đã triển khai đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến; trong đó, quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông và hỗ trợ phương tiện tiếp cận thông tin cho người nghèo gắn với thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS).

Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Hải tuyên truyền giảm nghèo về thông tin trong Dự án 6.

Giúp người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo

Để tăng độ phủ sóng về giảm nghèo thông tin cho người dân, huyện Đông Hải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, mô hình phát triển kinh tế gia đình, các thông tin cần thiết liên quan đến công tác giảm nghèo, nhất là các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... tạo nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hình thức thông tin, tuyên truyền phong phú, đa dạng như: trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, các cuộc họp... Nhờ vậy, thông tin đến với người dân một cách nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Hải, từ đầu năm đến nay, Phòng đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền của 11 xã, thị trấn, với 726 cán bộ, công chức và ban dân chính, đoàn thể ấp tham gia; in 2.850 cuốn sổ tay về công tác tuyên truyền giảm nghèo về thông tin; phối hợp với Đài PT-TH Bạc Liêu xây dựng 3 phóng sự về tìm hiểu thông tin mạng xã hội để áp dụng mô hình hay trong sản xuất - kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền ở các đơn vị, địa phương, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền hỗ trợ người dân cập nhật thông tin chính thống; mô hình phát triển kinh tế, khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân.

Đến nay, xã Long Điền Đông A đã đầu tư 9 cụm loa phát thanh ở 8 ấp, giúp người dân tiếp cận gần hơn các thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội; các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong Chương trình, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân; tuyên truyền về các gương điển hình có sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để nhân rộng và lan tỏa trong xã hội. Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kỹ năng số, nhất là phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần mạnh mẽ đưa các nền tảng số, công nghệ số đến với người dân.

“Từ khi được địa phương trang bị gắn cụm loa ở địa bàn ấp, người dân trong ấp dễ dàng tiếp cận các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Đồng thời nắm được các mô hình kinh tế, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt áp dụng vào điều kiện của gia đình”, ông Phạm Văn Vui (ấp 3, xã Long Điền Đông A), chia sẻ. Có thể nói, giảm nghèo về thông tin được xem là một “lối mở” giúp người dân được tiếp cận, kịp thời nắm bắt nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, giúp khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, từ đó góp phần vào công tác giảm nghèo đa chiều của địa phương.

Anh Lưu Trung Lập chăm sóc đàn chồn. Ảnh: T.Q

Giảm nghèo về thông tin gắn với CĐS

Bên cạnh những giải pháp giảm nghèo đa chiều thiết thực đã và đang được triển khai, để hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin giảm nghèo bền vững, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương, các hội, đoàn thể thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là công tác giảm nghèo thông tin gắn với CĐS. Đồng thời, tập trung nâng cấp hạ tầng thông tin; lắp đặt các trạm phát sóng và xóa điểm lõm sóng; duy trì hoạt động của các trạm thu phát sóng di động bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Mặt khác, tập trung hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số để xây dựng công dân số giúp người dân, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống. Cụ thể như: hạn chế dùng tiền mặt; cài đặt các ứng dụng định danh điện tử, bảo hiểm xã hội; thực hiện dịch vụ công trực tuyến... Các trang thông tin điện tử; phương tiện thông tin đại chúng, nhóm Zalo cộng đồng cũng phát huy hiệu quả tích cực trong truyền thông chính sách giảm nghèo, mô hình sản xuất hiệu quả, những tấm gương vượt khó thoát nghèo giúp người dân chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo.

Cùng với công cuộc CĐS quốc gia, của tỉnh, huyện Đông Hải đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, kế hoạch liên quan đến CĐS và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS là tiêu chí quan trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về CĐS đã được huyện quan tâm và được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Truyền thanh cấp huyện, xã, Fanpage, Trang thông tin điện tử. Qua đó góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân thay đổi tư duy, phương thức canh tác, buôn bán, góp phần nâng giá trị sản phẩm, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.

Sau gần 2 năm học hỏi kỹ thuật và áp dụng mô hình nuôi chồn hương trên mạng Internet, đến nay gia đình anh Lưu Trung Lập (ấp Lung Rong, xã Định Thành A) đã có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, qua theo dõi trên phương tiện truyền thông, anh phát hiện và áp dụng mô hình nuôi cá dưới chuồng chồn, vừa giảm nhẹ công vệ sinh chuồng trại, vừa giảm chi phí thức ăn cho chồn.

Lắng nghe, tìm hiểu và cân nhắc lựa chọn những thông tin hữu ích, an toàn, có lợi để vận dụng vào thực tiễn, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực trong trồng trọt lẫn chăn nuôi, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần giảm nghèo hiệu quả, chống tái nghèo. Đến cuối năm 2023, huyện có 588 hộ thoát nghèo, đạt trên 132% kế hoạch.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện Đông Hải xác định thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ người nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin giúp người dân chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo. Đồng thời, tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, chất lượng dịch vụ viễn thông, ưu tiên các khu vực vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh giá rẻ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, giúp người nghèo, cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, thông tin, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, đồng thời từng bước tiếp cận, hòa nhịp CĐS.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.