Đời sống - Xã hội
Huyện Đông Hải: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được huyện Đông Hải xác định đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững và góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí về thu nhập, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Vì vậy, Huyện ủy, UBND huyện Đông Hải đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác này.
Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu tổ chức lớp đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản cho lao động nông thôn ở xã Định Thành (huyện Đông Hải). Ảnh: K.T
TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN CHO NGƯỜI HỌC
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, UBND huyện Đông Hải đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) giai đoạn 2020 - 2025 và được đưa vào kế hoạch hằng năm. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho LĐNT tham gia học nghề và lập thân, lập nghiệp. Theo đó, các lớp đào tạo nghề được tổ chức theo hình thức lưu động tại các địa phương, giúp người dân dễ dàng tham gia học tập và giáo viên cũng có thể nắm bắt được điều kiện thực tiễn về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương để có sự điều chỉnh kiến thức cho phù hợp, đảm bảo việc chuyển giao các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, cán bộ quản lý lớp thường xuyên thăm lớp, phối hợp tốt với UBND các xã để giúp đỡ người dân trong quá trình học tập, bảo đảm duy trì sĩ số, chủ động báo cáo tình hình học tập của người dân để chỉ đạo kịp thời nên công tác đào tạo nghề cho LĐNT không ngừng phát huy hiệu quả. Đặc biệt, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện như: Kế hoạch đào tạo nghề hằng năm, kế hoạch triển khai các nguồn vốn đào tạo nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, công văn chỉ đạo và giao chỉ tiêu tổ chức các lớp đào tạo nghề cho các xã, thị trấn để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cùng với đó là chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác dạy nghề cho LĐNT tại địa phương, chỉ đạo các đơn vị có liên quan cụ thể hóa các văn bản cấp trên, thực hiện sâu sát, đảm bảo tận dụng được tối đa nguồn vốn của Trung ương giao về cho huyện, đào tạo đúng nhu cầu học nghề của người dân.
Tổ chức tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho lao động ở huyện Đông Hải.
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt ấy, công tác tuyên truyền luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi trọng và tăng cường chỉ đạo thông qua nhiều hình thức và nội dung sát với thực tế. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí chiến lược của phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an sinh trong việc tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề.
Song song đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho LĐTN qua nhiều hình thức như: Gửi văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện đến các địa phương; tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và báo chí địa phương; tích cực thông tin phản ánh gương lao động, sản xuất giỏi để tuyên truyền về các mô hình dạy nghề. Đồng thời, tổ chức các đợt truyền thông về đào tạo nghề nhằm phân luồng học sinh, góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về việc chọn trường, chọn nghề, chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS và THPT.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Phòng LĐ-TB&XH huyện, Trung tâm GDNN-GDTX huyện thường xuyên phối hợp với UBND các xã khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện để có thể chủ động trong kế hoạch mở các lớp dạy nghề cho LĐNT. Nhờ vậy mà công tác tuyển sinh được thực hiện có hiệu quả hơn, người dân được học những ngành, nghề cần thiết cho công việc của họ nên tích cực tham gia học tập. Qua đó nâng cao kỹ năng, tay nghề và tiếp thu nhanh những thành quả khoa học - công nghệ mới để áp dụng vào đời sống, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, còn tổ chức dự báo nhu cầu thị trường gắn với xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp cho mỗi địa phương. Kết hợp với xem xét nhu cầu thực tế của địa phương có thích hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay hay không, nhằm chủ động tránh việc Nhà nước, người dân đầu tư tiền của vào những mô hình sản xuất nhưng không thích ứng được với thị trường, nhất là tình trạng được mùa - mất giá. Tính đến tháng 10/2024, huyện Đông Hải đã mở 36 lớp đào tạo nghề cho LĐNT gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được thì công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể là một bộ phận cán bộ cấp xã và người dân chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của công tác dạy nghề cho LĐNT nên chưa thật sự vào cuộc trong quá trình xác định nhu cầu đào tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và công cuộc xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Một số LĐNT, nhất là thanh niên có xu hướng thích đi tìm việc làm ở các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… để kiếm tiền nhanh hơn, chưa coi việc học nghề là chỗ dựa vững chắc, lâu dài đối với việc lập nghiệp và tự tạo việc làm ổn định. Việc điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của người dân ở một số xã còn chưa sát với thực tiễn và nhu cầu thị trường mà chỉ phản ánh nhu cầu tự phát của người dân.
TẠ MINH
-----------------------------------
Với quyết tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, huyện Đông Hải sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho LĐNT; phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề nông thôn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả sau đào tạo nghề trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề về số lượng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí, các quy định.
Dự báo chính xác nhu cầu thị trường, từ đó xây dựng dạy nghề phù hợp cho mỗi địa phương gắn với phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện các chính sách, hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT và chú trọng hơn nữa công tác quản lý chất lượng đào tạo nghề. Tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Kịp thời biểu dương gương điển hình trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho LĐNT; nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đạt kết quả tốt. Tập trung tuyên truyền về quyền và lợi ích của người học, của cá nhân, tập thể tham gia đào tạo nghề cho LĐNT. Lồng ghép trong công tác tuyên truyền đào tạo nghề cho LĐNT những nội dung hướng nghiệp cho học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác đào tạo nghề cho LĐNT để đề ra những giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng sau đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động trong huyện, trong tỉnh, trong nước và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.