Huyện Hòa Bình: Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và BHXH tự nguyện

Thứ Sáu, 24/06/2022 | 15:21

So với các địa phương khác trong tỉnh, nền kinh tế của huyện Hòa Bình chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên đời sống, thu nhập của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) và BHXH tự nguyện đóng vai trò quan trọng trong thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Thực hiện linh hoạt các giải pháp

Đến cuối năm 2021, số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện Hòa Bình là trên 77.930 người. Số tham gia BHXH hơn 4.390 người, trong đó có 1.673 người tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn khá chậm so với yêu cầu và chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Nguyên nhân chính là một số địa phương, đơn vị chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình, chưa xem việc thực hiện chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự sâu rộng đến mọi người dân; công tác tư vấn và vận động người dân tham gia đạt hiệu quả chưa cao; riêng về mặt chính sách chưa thật sự hấp dẫn người tham gia (chẳng hạn như thời gian đóng khá dài - tối thiểu 20 năm, nhưng chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất). Bên cạnh đó, số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh, nhiều người dân còn hiểu nhầm đây là loại hình bảo hiểm thương mại. Ngoài ra, do thu nhập của lao động tự do rất bấp bênh, không ổn định, chỉ đủ trang trải chi phí trong gia đình nên còn chưa có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện...

Lao động nông thôn - đối tượng cần được khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện để bảo đảm cuộc sống khi mất sức lao động. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch lúa ở xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình). Ảnh: T.A

Cùng với việc gặp khó trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, thì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua cũng tác động trực tiếp đến phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Xuất phát từ thực trạng này, huyện Hòa Bình đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Luật BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện và BHTN do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Theo đó, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên Ban chỉ đạo và triển khai kế hoạch thực hiện, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đến năm 2025. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và thành lập Tổ tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện từ xã đến ấp.

Trong đó, xác định công tác vận động, truyền thông là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo sát sao các ban ngành, mặt trận, các hội, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH theo đúng tinh thần Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH và thực hiện linh hoạt các giải pháp truyền thông, vận động, góp phần đảm bảo việc thực hiện mục tiêu kép: vừa mở rộng hiệu quả diện bao phủ người tham gia BHXH tự nguyện, vừa đảm bảo đúng các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Giao chỉ tiêu cho các địa phương

Để đạt chỉ tiêu đến năm 2025 phát triển 2,5% lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, huyện Hòa Bình sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng như: Tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, chỉ đạo triển khai đầy đủ các nội dung, tầm quan trọng và tính ưu việt, nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Gắn kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện với thực hiện các phong trào thi đua và đánh giá kết quả công tác hằng năm của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện và yêu cầu UBND các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện và số người tham gia BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương. Chủ trì, phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận đến từng hộ gia đình, để mọi người dân trên địa bàn hiểu được quy trình, thủ tục, ý nghĩa lợi ích và tính ưu việt, nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện.

Riêng các ngành huyện, UBND các xã, thị trấn tích cực phối hợp với mặt trận, các hội, đoàn thể cùng cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên về chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, tầm quan trọng, quyền lợi và tính thiết thực của BHXH tự nguyện. Từ đó tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của huyện nhà.

Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa từ ngày 1/7/2022

Theo Nghị định 38 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng. Do đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động (NLĐ) đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định cũng gia tăng.

Cụ thể, căn cứ khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất mà NLĐ có thể nhận hằng tháng sau khi nghỉ việc như sau:

“Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc”.

Như vậy, khi lương tối thiểu vùng tăng thì mức hưởng 5 lần mức lương tối thiểu vùng khi nhận trợ cấp thất nghiệp cũng tăng theo như sau: Vùng I: 23.400.000 đồng; Vùng II: 20.800.000 đồng; Vùng III: 18.200.000 đồng; Vùng IV: 16.250.000 đồng.

Tú Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.