Đời sống - Xã hội
Huyện Phước Long: Đồng bộ nhiều giải pháp cho giảm nghèo bền vững
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm hướng đến giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong việc góp phần đảm bảo an sinh và công bằng xã hội. Vì vậy, trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Phước Long đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này rất quyết liệt và mang lại những kết quả đáng phấn khởi.
Lao động nghèo được giải quyết việc làm ở doanh nghiệp Tý Liên (huyện Phước Long).
PHẤN ĐẤU GIẢM NGHÈO NHANH
Thời gian qua, huyện Phước Long luôn chú trọng đến công tác giảm nghèo, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Đồng thời, xác định đây là một trong những giải pháp căn cơ trong giảm nghèo bền vững.
Để giúp NLĐ nghèo tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, tiến tới đạt mục tiêu xây dựng huyện Phước Long trở thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025; hằng năm, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với các ngành liên quan và các xã, thị trấn tổ chức rà soát lại hộ nghèo, cận nghèo, cũng như khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của NLĐ. Từ cơ sở này, xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện trên tinh thần luôn “đồng hành và chia khó cùng hộ nghèo”. Đồng thời, căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện để kết hợp lựa chọn đào tạo các nghề phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, có khả năng thu hút nhiều lao động, đáp ứng nhu cầu việc làm của nhiều doanh nghiệp, tránh tình trạng NLĐ bị mất việc làm quay lại tái nghèo. Năm 2024, huyện Phước Long có tỷ lệ nghèo đa chiều là 3,75% (tương đương 1.152 hộ, gồm: 411 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34% và 741 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,41%). Dự kiến trong năm 2024 sẽ phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện xuống còn 1,59% (tương đương giảm 489 hộ, gồm: giảm 243 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,79% và giảm 246 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,80%).
Với quyết tâm giảm nhanh hộ nghèo, từ đầu năm đến nay, huyện Phước Long đã ban hành nhiều văn bản và kết hợp với các cơ quan, ban, ngành tỉnh, cũng như chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã trao vốn cho hơn 238 hộ nghèo, với tổng số tiền hơn 2.600 triệu đồng. Ngoài ra, huyện Phước Long còn vận động hỗ trợ xây dựng 80 căn nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, với số tổng tiền 3 tỷ 930 triệu đồng.
Song song với công tác hỗ trợ hộ nghèo, huyện luôn quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, triển khai kịp thời và đồng bộ các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ. Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, vận động lao động tích cực tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng được tiếp cận với các công ty, doanh nghiệp cần tuyển dụng…
Hộ nghèo ở huyện Phước Long được hỗ trợ trâu giống. Ảnh: K.T
ĐÀO TẠO CÒN GẶP KHÓ
Có thể nói, cùng với những kết quả đạt được thì công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa NLĐ làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và công tác giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vẫn còn một số khó khăn. Đó là việc giải ngân nguồn vốn năm 2024 còn chậm so với kế hoạch đề ra (do các văn bản mới của Trung ương, của tỉnh còn hướng dẫn chung chung, chưa cụ thể về nội dung, mức chi và quy trình thực hiện); việc thu hút đào tạo nghề còn gặp khó, do phần lớn NLĐ trong độ tuổi đều là lao động chính trong gia đình nên phải đi làm thuê, làm mướn để lo cho cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt là việc thực hiện đào tạo nghề theo nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, quy định đối tượng tham gia học nghề là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, từ đó việc vận động người dân tham gia các lớp học nghề gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, trên địa bàn huyện chưa có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nên chưa có đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp. Việc khảo sát nhu cầu học nghề tại các xã, thị trấn cho nhóm nghề phi nông nghiệp thì số lượng rất ít người theo học, NLĐ trên địa bàn huyện ít có nhu cầu học nhóm nghề này.
Thêm vào đó, tư tưởng của một số hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo hiện nay đa phần đều muốn tìm việc làm tại các công ty trong và ngoài tỉnh chứ không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nên công tác tiếp cận để tuyên truyền, vận động cũng gặp khó khăn. Về chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 6 tháng đầu năm huyện đã đạt 108%, nhưng chỉ tiêu tại các xã, thị trấn thực hiện chưa đồng đều, một số địa phương chưa tập trung quyết liệt trong công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chưa chủ động phối hợp tìm nguồn lao động có nhu cầu để Phòng LĐ-TB&XH và công ty tư vấn giới thiệu liên hệ tư vấn.
TRẦN PHƯƠNG
-------------------------
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Long đề ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ở các ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn về trách nhiệm tham gia thực hiện công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện, góp phần giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập và cải thiện đời sống lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm đảm bảo trung thực, khách quan, xác định chính xác hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đúng theo quy định.
Tiếp tục tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng nhiều hình thức. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề. Tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các xã, thị trấn; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực dạy nghề và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với đào tạo nghề. Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Đổi mới và mở rộng ngành nghề, các lĩnh vực đào tạo. Mở rộng quy mô và hình thức dạy nghề với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện phù hợp với tình hình thực tế; tạo điều kiện cho NLĐ, đặc biệt là gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn về kinh tế được đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, góp phần thoát nghèo bền vững. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, xí nghiệp, qua đó đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn, mở sàn giao dịch giới thiệu việc làm cho NLĐ và giới thiệu đi xuất khẩu lao động ở các nước, phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
- Giao ban tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh tháng 10/2024
- Lắng nghe lời khuyên từ thầy Phạm Minh Khoa về việc: Nên chọn thi IELTS học thuật hay tổng quát
- Bạc Liêu hưởng ứng cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”
- Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử cho hội viên phụ nữ
- Hàn gió đá bất cẩn làm cháy sà lan bơm cát