Đời sống - Xã hội
Huyện Phước Long: Giảm nghèo từ đa dạng hóa mô hình sản xuất
Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Phước Long đã xây dựng nên nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và các mô hình này đã tác động tích cực đến đời sống, cũng như công tác giảm nghèo của địa phương.
Hội Nông dân huyện Phước Long trao bảng tượng trưng hỗ trợ nhà tình thương cho hộ nông dân nghèo tại lễ ra quân Ngày Dân vận khéo. Ảnh: T.A
QUAN TÂM GIẢM NHANH HỘ NGHÈO
Đối với Đảng bộ huyện Phước Long, công tác giảm nghèo đặc biệt được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu. Do vậy, thời gian qua, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát lại điều kiện của từng hộ nghèo, cận nghèo, xem xét, đánh giá và lập danh sách hộ dự kiến để thoát nghèo. Đồng thời, phối hợp với đảng viên của các ngành cấp tỉnh, huyện và xã, thị trấn được phân công giúp đỡ hộ nghèo tiến hành xây dựng phương án, mô hình sản xuất có hiệu quả; huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho hộ nghèo và đẩy mạnh việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ dành cho hộ nghèo, cận nghèo để giúp các hộ khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhất là phát huy vai trò, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc hỗ trợ hộ nghèo bằng nhiều hình thức như: hướng dẫn cách thức làm ăn, giải quyết việc làm, trao tặng cây, con giống, nhu yếu phẩm…
Sự chỉ đạo quyết liệt ấy đã góp phần làm cho tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và vượt chỉ tiêu được giao. Như năm 2023, huyện Phước Long đã giảm được 422 hộ nghèo, tỷ lệ giảm là 1,37% (đã giảm 422/362 hộ, đạt tỷ lệ 116,5% chỉ tiêu giao). Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo còn lại của huyện là 411 hộ, chiếm tỷ lệ 1,34%. Cũng trong năm 2023 đã thoát được 990 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm 3,22% (giảm 990/855 hộ, đạt tỷ lệ 115,8% chỉ tiêu giao). Đến cuối năm 2023, số hộ cận nghèo còn lại của huyện là 741 hộ, chiếm tỷ lệ 2,41%.
Công tác giảm nghèo tuy được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng nhìn chung vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể là hiện nay đa số các hộ nghèo đều không vốn, không đất sản xuất, cuộc sống chủ yếu dựa vào làm thuê, làm mướn theo thời vụ, không có việc làm ổn định, dễ gặp rủi ro trong cuộc sống. Công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp rất nhiều khó khăn, do người lao động trong độ tuổi phần lớn là lao động chính phải làm thuê hằng ngày để lo cho cuộc sống, đa số là đi làm việc tại các công ty trong và ngoài tỉnh. Trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì có một số ít địa phương chưa chủ động phối hợp tìm nguồn lao động có nhu cầu để Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với công ty giới thiệu xuất khẩu lao động tư vấn. Tâm lý của nhiều gia đình và người lao động còn lo lắng, sợ rủi ro, ngại cho con đi xa, gặp khó khăn trong chi phí ban đầu phải bỏ ra như: phí khám sức khỏe, phí ăn ở khi học ngoại ngữ, phí đặt cọc…
Nông dân huyện Phước Long thu hoạch tôm trên đất lúa.
Hội viên, phụ nữ thu gom rác thải bỏ vào “Ngôi nhà xanh” tại lễ ra mắt câu lạc bộ. Ảnh: L.D - H.L
CHỐNG TÁI NGHÈO
Công tác giảm nghèo tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng huyện Phước Long đã có nhiều mô hình hay trong công tác giảm nghèo. Trong đó, phát triển và đa đạng hóa các mô hình sản xuất chính là thế mạnh hàng đầu đang được phát huy. Qua đó đã và đang khai thác tốt tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động nghèo.
Một trong những đơn vị tiên phong và làm tốt giải pháp này chính là Hội Nông dân huyện Phước Long. Để xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả trong nông nghiệp - nông thôn, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cấp Hội trực thuộc tập trung tuyên truyền, quán triệt đến hội viên, nông dân hiểu rõ quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2025 gắn với nhiệm vụ quan trọng là giảm nhanh hộ nghèo. Đồng thời, thi đua xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Quốc lộ 1A và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp - thủy sản, mà trọng tâm ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm trên con tôm, cây lúa, phát triển và đa dạng hóa các mô hình sinh kế trên đất lúa như: sản xuất rau màu, nuôi cá đồng, trồng dưa hấu, bắp…
Ngoài ra, Hội còn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến phát triển các hình thức kinh tế tập thể, vận động nông dân tham gia xây dựng các tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, cánh đồng lớn, nhằm chủ động tránh tình trạng mặt hàng nông sản, thủy sản làm ra không tiêu thụ được, dễ dẫn đến tái nghèo do sản xuất gặp rủi ro.
Song song đó, Hội Nông dân huyện cũng phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề nhằm nâng cao nhận thức của nông dân trong quá trình sản xuất nâng cao giá trị những sản phẩm làm ra tạo nguồn kinh tế cho gia đình và giải quyết việc làm cho nông dân nghèo. Đặc biệt là đã xây dựng được 1 dự án sinh kế nuôi heo rừng tại ấp Bình Lễ với số vốn hơn 68 triệu đồng và 1 dự án nuôi heo của xã Phong Thạnh Tây A có số vốn đầu tư 120 triệu đồng để xem xét tính hiệu quả và nhân rộng.
Hội còn tập trung phát triển thêm một số mô hình khác có hiệu quả và đang trong quá trình xem xét để nhân rộng như: nuôi chồn hương, trồng bưởi ở xã Vĩnh Phú Tây; nuôi cá dứa ở xã Phong Thạnh Tây B; nuôi cá trê vàng ở thị trấn Phước Long… Bên cạnh chú trọng phát triển sản xuất, các cấp Hội cũng tổ chức hỗ trợ cây, con giống và tặng nhà tình thương cho nông dân nghèo.
Ông Huỳnh Hữu Tính - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Long, cho biết: “Với mục tiêu giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo, Hội Nông dân huyện đã và đang tập trung nâng chất các mô hình sản xuất gắn với sinh kế của nông dân. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh mời gọi và thu hút các doanh nghiệp đầu tư, cũng như liên kết sản xuất với nông dân nhằm tạo ra nhiều việc làm mới và thu nhập cho bà con. Có như vậy, giảm nghèo mới bền vững và thích hợp với những nông dân ít hoặc không có đất sản xuất cần được giải quyết việc làm thông qua các mô hình sản xuất của các nông dân khác, nhất là các trang trại hay tổ hợp tác, hợp tác xã”.
TÚ ANH
- Tổng kết và trao giải Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu qua các thời kỳ”
- Giải bóng đá vô địch sân 7 các Câu lạc bộ miền Tây mở rộng năm 2025: Thành công tốt đẹp
- Đoàn công tác của tỉnh thăm, chúc tết các đơn vị Biên phòng
- Đoàn đại biểu tỉnh Preah Sihanouk (Vương quốc Campuchia) thăm và chúc Tết tỉnh Bạc Liêu
- Đoàn cán bộ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện Hòa Bình: Thăm, chúc Tết Khu căn cứ Đôn Bơ - Cựa Gà