Đời sống - Xã hội
Khổ vì... đường và nhà đều ngập nước!
Hàng năm, tỉnh đều tập trung nâng mặt đường, thay cống thoát nước, nạo vét hệ thống cống ngầm… nhằm nâng cấp đô thị và chống ngập. Thế nhưng, mỗi khi mùa mưa đến thì hàng loạt tuyến đường ở các khu dân cư, nhất là nội ô TP. Bạc Liêu vẫn ngập sâu, đời sống ngường dân lại khổ đủ điều.
Người dân Khu dân cư Thiên Long (Phường 5) đi lại khó khăn do đường ngập nước thường xuyên.
Cứ mưa, triều cường là ngập
Mỗi khi xuất hiện mưa trùng thời điểm triều cường dâng cao là nhiều tuyến đường, hẻm, khu dân cư trên địa bàn TP. Bạc Liêu đều lênh láng nước. Tại nhiều con hẻm ở các phường: 2, 5, 7, 8 và Nhà Mát, nhiều hộ dân có nền nhà thấp hơn mặt đường, nước tràn vào nhà ngập sâu gần nửa mét, làm hư hỏng nhiều vật dụng, đồ sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt.
Anh Phạm Văn Ánh (khóm 3, Phường 8) chia sẻ: “Nhà tôi gần mé sông nên bị ảnh hưởng nhiều, hay bị ngập sâu mỗi khi triều cường dâng. Những lần trước, nước chỉ ngập mấp mé đến hiên nhà, còn đợt này, nước tràn vô nhà, ngập sâu nên dù nửa đêm vẫn phải hô hoán nhau dậy kê đồ đạc lên cao, cùng nhau tát nước”.
Những năm gần đây, TP. Bạc Liêu liên tục nâng mặt đường, thay cống, đồng thời nâng cấp các tuyến hẻm để hạn chế tình trạng ngập nước. Thế nhưng, mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao là các tuyến đường, các khu dân cư vẫn cứ tiếp tục ngập sâu.
Ông Trần Văn Dũng - một hộ dân sống tại khóm 8 (Phường 5), cho biết: “Mặc dù chính quyền địa phương đã làm cống thoát nước, nâng cấp hẻm, song tình trạng nước ứ đọng, ngập nước đã trở thành nỗi ám ảnh của chúng tôi. Tôi đã nâng nền nhà 3 lần, song nước vẫn tràn vào nhà, hiện tại tôi dùng bao cát chắn trước cửa, chặn nước được phần nào hay phần đó. Rất mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp khắc phục”. Tương tự, tại Khu dân cư Thiên Long (Phường 5), tình trạng ngập nước cũng diễn ra thường xuyên, nhất là những khi mưa lớn kết hợp với triều cường dâng là khu dân cư này chìm trong biển nước, gây bất lợi, không đảm bảo an toàn cho người lớn đi làm, học sinh đến trường… Đó còn chưa kể nguy cơ tiềm ẩn bệnh do môi trường ẩm ướt là điều kiện “lý tưởng” để các loại côn trùng như: ruồi, muỗi, gián… sinh sôi phát triển và lây lan mầm bệnh.
Đường Hoàng Văn Thụ (Phường 3) ngập sâu ảnh hưởng đến sinh hoạt, mua bán của người dân. Ảnh: T.Q
Cần có giải pháp xóa ngập
Để khắc phục tình trạng ngập do triều cường gây ra, UBND tỉnh đã có kế hoạch xây dựng 24 cống trên tuyến đê biển Đông và 4 cống trên tuyến kè Gành Hào. Đến nay, tỉnh đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 cống lớn (Nhà Mát, Cái Cùng và Huyện Kệ) trên tuyến đê biển Đông. Song song đó, hệ thống cống trong nội ô TP. Bạc Liêu cũng đã được thi công hoàn thiện, nhiều tuyến đường được nâng cấp. Thế nhưng, người dân Bạc Liêu vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo hễ mưa to hay triều cường lên là ngập hoàn ngập.
Theo các cơ quan chức năng, ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì nguyên nhân gây ngập là do một số hệ thống thoát nước đã già cỗi, phát triển đô thị, khu dân cư không theo quy hoạch, xây dựng khu dân cư không đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ, không thống nhất nên gây ngập thường xuyên, cục bộ.
Ngoài ra, tình trạng xây dựng nhà trái phép, san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch, ao hồ, trong khi công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước chưa được thường xuyên, đặc biệt là các khu vực chợ, khu đông dân cư. Bên cạnh đó, công trình thi công bờ kè kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau đoạn qua thành phố chưa hoàn thiện cũng làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, các đầu cống thông ra kênh; tình trạng xả rác bừa bãi, hay các hộ dân xây dựng nhà xong không thu gom vật liệu xây dựng thừa như cát, đá, mỗi khi mưa lớn cát trôi theo dòng chảy gây tắc nghẽn cống, rãnh… cũng gia tăng tình trạng ngập nước. Đơn cử như đường Hàm Nghi (Phường 5), một số cống thoát nước bị vùi sâu trong đất cát, cỏ và cây dại, đã lâu không được khơi thông nên không còn chức năng thoát nước, chỉ cần một cơn mưa dầm là hai bên đường lại lênh láng nước.
Để hạn chế tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, mưu sinh của người dân, các cơ quan chức năng cần thường xuyên khơi thông những đoạn cống thoát nước bị dồn ứ nhiều năm. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các nắp van xả nước nằm dọc theo tuyến kênh để tránh tình trạng nước tràn ngược mỗi khi triều cường và thoát nước nhanh mỗi khi mưa lớn. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước, xả rác xuống cống, kênh rạch gây ảnh hưởng đến công tác nạo vét, duy tu.
Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc hợp sức cùng chính quyền địa phương nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước nơi mình sinh sống, không xả rác bừa bãi xuống cống, kênh rạch làm tắc nghẽn dòng chảy. Qua đó góp phần xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại I, theo hướng văn minh và từng bước hiện đại.
Minh Luân
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông