Khơi dậy ý chí tự lực vươn lên trong đồng bào Khmer

Thứ Tư, 07/08/2024 | 14:34

Từ việc thụ hưởng các chính sách ưu tiên, đặc thù, thậm chí nhiều hộ còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thì nay, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh đã tự lực vươn lên và có trách nhiệm trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu và có cuộc sống ngày càng ổn định, ấm no.

Cán bộ ngành Nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa cho nông dân huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L

Vượt khó thoát nghèo

Nhờ chí thú làm ăn, siêng năng lao động và tận dụng rất hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ với nhiều mô hình chuyên canh, luân canh, lấy ngắn nuôi dài nên ngày càng có nhiều hộ Khmer đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ðiển hình như hộ anh Lý Thu (ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), trước đây, do thiếu vốn sản xuất lại ít đất canh tác nên dù chí thú làm ăn nhưng gia đình vẫn luôn thiếu trước, hụt sau. Sau nhiều lần được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về canh tác lúa, chăn nuôi, vợ chồng anh đã vay vốn tiến hành cải tạo lại ruộng lúa, xây chuồng nuôi heo. Mỗi khi gặp khó trong sản xuất, anh không ngần ngại tìm đến cán bộ nông nghiệp địa phương để nhờ gỡ khó, học hỏi thêm kinh nghiệm. Anh Lý Thu chia sẻ: “Được chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt, từ hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng đến tạo điều kiện vay vốn với nhiều chính sách ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số…, vợ chồng tôi thường xuyên nhắc nhở, động viên nhau phải quyết tâm vươn lên thoát cảnh nghèo khó. Chỉ có chí thú làm ăn, làm theo khuyến cáo của ngành chức năng trong sản xuất và không sa vào tệ nạn xã hội thì mới mong có cuộc sống no đủ được”.

Không riêng gì gia đình anh Thu mà có rất nhiều hộ Khmer từ chỗ khó khăn, thiếu thốn nay đã vươn lên trở thành tấm gương tiêu biểu về vượt khó, thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trong số đó có thể kể đến hộ ông Danh Cọp (huyện Hồng Dân) với mô hình luân canh tôm - lúa kết hợp trồng màu; hộ ông Lý Tỷ (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) với mô hình trồng nhãn cho trái trái vụ để tăng lợi nhuận; hay mô hình trồng màu kết hợp của ông Lâm Đại Hoàng (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi); mô hình góp vốn tham gia hợp tác xã sản xuất nghêu giống và nghêu thịt của bà con Khmer xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình)… Tất cả cùng tạo nên bức tranh sinh động, thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh.

Chung sức xây dựng quê hương

Những năm gần đây các địa phương trên địa bàn tỉnh còn huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong vùng có đông đồng bào Khmer. Đặc biệt, nhiều hộ dân tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê.

Là một trong những địa phương có đông bà con Khmer sinh sống nhất tỉnh, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn huyện Hồng Dân ngày càng khởi sắc. Ông Danh Biện (xã Vĩnh Lộc) cho biết: “Trước đây đường sá nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn, nhưng từ khi Nhà nước bắt tay vào xây dựng nông thôn mới đã có nhiều hộ tự nguyện hiến đất, góp vốn mở đường, xây cầu… bởi người dân nơi đây đều hiểu rằng, người hưởng lợi ích không ai khác ngoài chúng tôi. Hiện tại đường đi thông thoáng, cầu bê-tông vững chắc, trường học, trạm y tế, chợ… được xây dựng khang trang. Tất cả đều có sự thay đổi, người người, nhà nhà đều chăm lo làm kinh tế, đầu tư cho con cái học hành. Đây là một bước chuyển biến lớn giúp bộ mặt làng quê ngày thêm khởi sắc”.

Không riêng huyện Hồng Dân mà các địa phương nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đều thay đổi rõ rệt về đời sống, tinh thần.

“Các địa phương có đông đồng bào Khmer giờ đây không thua kém, thậm chí nhiều nơi còn phát triển hơn cả những xóm, ấp nơi có đông người Kinh sinh sống. Không chỉ nỗ lực vươn lên mà trong tất cả các công trình, dự án… khi triển khai xuống cơ sở đều được bà con đồng tình ủng hộ. Nhờ vậy, đời sống kinh tế, vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh đã phát triển hơn trước đây rất nhiều, số hộ Khmer khá, giàu ngày càng tăng”, ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.