Đời sống - Xã hội
Khơi dậy ý chí và nghị lực tự vươn lên trong đồng bào Khmer
Trước đây, đời sống kinh tế của bà con Khmer trong tỉnh khá khó khăn, một phần vì thiếu phương tiện sản xuất, không vốn đầu tư, tạo sinh kế bền vững, một phần lại có tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bằng các hình thức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong vùng có đông đồng bào Khmer đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên làm giàu cho gia đình, xây dựng kinh tế ngày càng phát triển.
Người dân ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) hiến đất mở rộng lộ nông thôn. Ảnh: C.L
Nỗ lực vươn lên
Nếu như trước đây, khi tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thường không thu hút được bà con Khmer tham gia. Thế nhưng hiện nay, chỉ cần địa phương thông báo ngày, giờ, địa điểm thì sẽ có rất đông bà con đến dự, lắng nghe chăm chú và áp dụng vào thực tế sản xuất tại gia đình. Nhờ vậy, nhiều mô hình mới, cách làm hay trong phát triển sản xuất của bà con Khmer ngày một nhiều thêm, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng xóm ấp văn minh, hiện đại.
Nhà ít ruộng đất nên chồng chị Danh Kim Hương (ấp Xẻo Dừng, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) phải đi làm thuê ngoài tỉnh, dù cật lực lao động nhưng gia đình chị Hương vẫn thuộc diện hộ nghèo. Xét thấy hoàn cảnh gia đình chị quá khó khăn, UBND xã Ninh Thạnh Lợi đã hỗ trợ gia đình tiếp cận nguồn vốn chương trình hỗ trợ vốn sinh kế để làm ăn. Có vốn, vợ chồng chị Hương thực hiện mô hình nuôi heo sinh sản và heo thương phẩm. Từ mô hình kết hợp này, đến nay gia đình không những thoát được nghèo mà còn có vốn tích lũy mở rộng sản xuất. Cách đây không lâu, gia đình chị còn được chính quyền hỗ trợ cất nhà tình thương. Có nhà kiên cố, có vốn tích lũy, đời sống kinh tế gia đình chị Hương ngày càng phát triển theo hướng tích cực. “Từ khi được hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, gia đình tôi không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên để cuộc sống gia đình không còn cảnh thiếu trước hụt sau như trước. Kinh tế gia đình ngày càng ổn định, tôi rất mừng và sẽ tiếp tục ra sức lao động, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng nông thôn ở địa phương”, chị Danh Kim Hương chia sẻ.
Không chỉ nỗ lực trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, bà con Khmer trong tỉnh còn đoàn kết, ra sức cùng với các cấp chính quyền địa phương xây dựng nhiều công trình, phần việc. Từ đó, giúp địa phương từng bước hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ thiếu trước hụt sau, không đất sản xuất... thì nay, nhiều hộ đã chủ động xin hiến đất, đóng góp kinh phí để mở rộng lộ, xây cầu, cất trường, nhà văn hóa ấp.
Mô hình đưa màu xuống ruộng giúp người dân huyện Hồng Dân tăng thu nhập. Ảnh: C.L
Tạo sinh kế bền vững
Tuy đã có nhiều hộ Khmer vượt lên chính mình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thế nhưng vẫn còn không ít hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp của cộng đồng, xã hội. Do đó thời gian qua các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn không ngừng ra sức giúp đỡ để người dân có điều kiện phấn đấu vươn lên. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình 1719) tại 14 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS, với nguồn vốn được Trung ương phân bổ là 58,4 tỷ đồng và hơn 8,7 tỷ đồng nguồn đối ứng 15% của tỉnh.
Chương trình 1719 đã giúp đồng bào DTTS vượt qua khó khăn, có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách của Nhà nước, những mô hình của các hội, đoàn thể triển khai đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Ông Sơn Hôl (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) cho biết: “Nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà giờ đây nhiều gia đình Khmer có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời, giúp bà con cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau và càng không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái học hành tử tế”.
Từ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của các cấp, các ngành đã giúp diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Đây là cơ sở để Bạc Liêu tiếp tục ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào DTTS.
Song Nguyên
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024