Đời sống - Xã hội
Lao động chạy “sô” kiếm tiền ăn tết
Đối với lao động nghèo, cận Tết là thời điểm có thể kiếm được nhiều tiền nhất trong năm, bởi họ tranh thủ chạy “sô” để phục vụ nhu cầu dọn dẹp, sửa sang nhà cửa; vận chuyển hàng hóa; may sửa quần áo; đánh bóng lư đồng, sơn bóng tủ, bàn ghế…, của nhiều người. Do đó, họ không nề hà cực nhọc, vất vả, tranh thủ nhận thêm việc để có thể chăm lo đầy đủ, tươm tất hơn cho cái tết đang cận kề.
Anh Ngọc Lâm đánh bóng lư đồng cho khách.
Nghề đánh lư đồng, vệ sinh nhà đắt khách
Năm nào cũng vậy, trước Tết 2 khoảng tháng là anh Ngọc Lâm (Phường 1, TP. Bạc Liêu) thường xuyên có khách tìm đến để nhờ đánh bóng lư đồng. Anh Lâm cho biết: “Nghề chùi lư đồng chủ yếu làm vào thời gian cận Tết. Mấy ngày qua, trung bình mỗi ngày tôi đánh bóng từ 2 - 3 bộ lư đồng, tùy theo kích thước và trọng lượng, mỗi bộ khách trả công 150.000 - 300.000 đồng. Đến giữa tháng Chạp là thời điểm khách đông nhất, mỗi ngày tôi nhận trên 10 bộ và phải huy động vợ con làm phụ mới kịp giao trả khách”.
Hơn 20 năm qua, chỉ với cái tủ gỗ nhỏ đặt ở góc đường Hoàng Văn Thụ (Phường 3) để hành nghề may vá giày dép đã giúp anh Văn Phúc có điều kiện chăm lo cho gia đình. Theo anh Phúc, những ngày thường, trung bình mỗi ngày anh vá từ 1 - 3 đôi dép, giày, song những ngày giáp Tết, mỗi ngày anh vá trên 10 đôi. Tiền công mỗi đôi là 20.000 đồng, dán đế dép là 15.000 đồng - từ thu nhập này đã giúp anh có thêm điều kiện chăm lo cho gia đình trong những Tết được đủ đầy hơn.
Dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa cũng là một trong những nghề “hái” ra tiền trong dịp Tết. Giá dọn dẹp vệ sinh, dọn nhà, giặt đồ… theo giờ, theo tuần hoặc trọn gói đều khác nhau. Gần Tết, ngoài nhu cầu vệ sinh bình thường, nhiều gia đình muốn dọn dẹp kỹ lưỡng, sạch sẽ hơn nên giá tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
Là nhân viên tạp vụ với đồng lương ba cọc ba đồng nên năm nào đến những ngày cuối năm là chị Kiều Mộng (Phường 1, TP. Bạc Liêu) tranh thủ nhận dọn dẹp, vệ sinh nhà. Trung bình mỗi nhà, chị dọn dẹp khoảng 3 tiếng, được gia chủ trả công từ 200.000 - 300.000 đồng. Mấy ngày qua, do nhu cầu dọn vệ sinh nhà tăng cao nên chị tranh thủ làm cả ban đêm. Chị Mộng chia sẻ: “Tuy vất vả, nhưng bù lại có tiền nhiều, tôi cố gắng dành dụm để trang trải cho cuộc sống và lo cho con ăn học, chứ không chi nhiều cho việc mua sắm tết”.
Cùng với những nghề nêu trên thì nghề sửa quần áo, vận chuyển hàng hóa, làm bánh, làm tóc, tân trang xe, sửa chữa nhà… cũng “ăn nên làm ra”, qua đó cũng giúp người lao động tạo được nguồn thu nhập khá, giúp cuộc sống ổn định, sung túc hơn trong những ngày tết đến, xuân về.
Anh Văn Phúc giao hàng cho khách. Ảnh: T.Q
Nhu cầu lao động thời vụ tăng mạnh
Có thể thấy, cuối năm là thời điểm những công việc theo thời vụ phát triển mạnh nhất. Thời gian linh động, công việc đủ loại, không đòi hỏi chuyên môn cao, mọi người ở mọi lứa tuổi khác nhau đều có thể tìm được một công việc thích hợp để có thêm thu nhập.
Dạo quanh các cửa hàng, các quán ăn, các điểm kinh doanh dịch vụ ở TP. Bạc Liêu, dễ dàng bắt gặp những thông báo “cần nhân viên phục vụ”, “tuyển nhân viên bán hàng”… Theo đại diện các cửa hàng, điểm kinh doanh, dịp cuối năm, lượng khách hàng sẽ tăng nên họ cần nhiều nhân viên để bố trí làm việc theo ca. Điều này tạo thêm cơ hội việc làm cho nhiều lao động tự do.
Quanh năm bộn bề với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với những người lao động nghèo, giáp Tết không phải là thời gian nghỉ ngơi mà là “thời gian vàng” để họ kiếm tiền ăn tết. Họ đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để “cóp nhặt” thêm ít tiền với mong ước mang đến cho gia đình một cái tết tươm tất, đủ đầy hơn!
Minh Luân
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế