Lao động tự do và nỗi lo tai nạn

Thứ Sáu, 14/10/2022 | 15:46

Không hợp đồng, không bảo hộ, không bảo hiểm xã hội và không được trang bị kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhưng vì cuộc sống, người lao động tự do (LĐTD) vẫn chấp nhận làm việc tại những môi trường lao động không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Nhiều người trong số họ trong quá trình lao động gặp tai nạn đã tử vong tại chỗ, hoặc phải mang thương tật suốt phần đời còn lại.

Đa phần lao động tự do không trang bị bảo hộ lao động khi làm việc.  Ảnh: M.Toàn

Thiệt thòi, hiểm nguy rình rập

Vất vả, nhọc nhằn, thường xuyên phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập từ nghề, song, đa phần LĐTD đang làm việc mang tính thời vụ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tư nhân lại đều đang phải chấp nhận một thực tế đáng buồn là không được chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động, tập huấn các kiến thức cơ bản về ATVSLĐ và trang bị bảo hộ lao động như: quần áo, găng tay, giày, ủng, cáp treo bảo hộ... Khi xảy ra sự cố mất an toàn lao động, họ chỉ biết “bấm bụng” chịu thiệt. May mắn thì được chủ sử dụng lao động thỏa thuận, hỗ trợ tiền thuốc men, hoặc tiền chôn cất. Ngược lại, có chủ sử dụng lao động còn thẳng thừng từ chối trách nhiệm.

Dù sự việc tai nạn đã trải qua gần nửa năm, nhưng mỗi khi nhắc lại em Phan Châu Kha (18 tuổi, ngụ ấp Giồng Bướm A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) vẫn chưa hết bàng hoàng. Cha mẹ Kha ly hôn đã lâu, mẹ em làm công nhân tại một công ty may gần nhà nhưng đồng lương chẳng được bao nhiêu. Thương mẹ vất vả lo toan, Kha cũng xin đi làm thuê chỗ này chỗ kia để phụ mẹ chi phí sinh hoạt gia đình. Ngày 2/5/2022, trong lúc phụ người quen đưa tấm tôn lên lợp nhà thì không may chạm vào đường dây điện, Kha bị điện giật và hậu quả là em bị cụt gần nửa cánh tay trái, chân và tay còn lại bị bỏng nặng. Gia cảnh vốn đã khó khăn nay càng chồng chất khó khăn vì chi phí chữa trị cho Kha quá cao. Cũng may nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm nên đã giúp em giành lại sự sống.

Hoàn cảnh bi đát không thua kém Kha là em Trần Quang Vinh (Phường 8, TP. Bạc Liêu). Trong một lần chạy xe ba gác chở tôn cho khách tại thị trấn Phước Long (huyện Phước Long), lúc thả dốc cầu em bị mất tay lái đâm sầm vào nhà dân, miếng tôn kẽm đằng sau đâm làm đứt một phần lưng đến tủy sống của em. Đến nay, vết thương tuy đã được chữa lành nhưng di chứng là em phải ngồi xe lăn suốt đời. Ngày ngày trên chiếc xe lăn, Vinh lân la khắp các quán cà phê, từng con đường để bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống. Từ một thanh niên khỏe mạnh cùng với bao ước mơ tươi đẹp, tương lai của Vinh đã khép lại chỉ vì một phút sơ sẩy trong lao động.

Em Phan Châu Kha với những di chứng nặng nề do tai nạn lao động gây ra. Ảnh: T.Q

Cần có chính sách bảo vệ LĐTD

Phòng ngừa tai nạn, bệnh nghề nghiệp, cải thiện, đảm bảo đời sống cho người lao động… đang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, đảm bảo cho lao động làm việc trong điều kiện an toàn nhằm phòng ngừa TNLĐ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với LĐTD thì đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Người sử dụng lao động cũng chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc, chưa thật sự quan tâm vấn đề an toàn cho người lao động. Việc đảm bảo các chế độ, chính sách hiện nay cho LĐTD cũng được xem là vấn đề nan giải, bởi ngay cả trong Bộ luật Lao động hiện nay cũng chưa có những quy định cụ thể bảo vệ quyền lợi của LĐTD.

Trước vô vàn những khó khăn mà người LĐTD đang gặp phải, những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế giúp LĐTD có thu nhập thấp, không ổn định có cơ hội được hưởng lương hưu dựa trên nguyên tắc có đóng, có hưởng. Tuy nhiên, hiện số LĐTD tham gia đóng bảo hiểm rất ít. Phần lớn do trình độ, nhận thức của họ còn nhiều hạn chế nên chưa thấy được lợi ích của việc tham gia các loại hình bảo hiểm. Ngoài ra, do thu nhập còn bấp bênh, không ổn định nên việc có tiền để tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian dài là điều nhiều lao động không nghĩ đến.

Hy vọng rằng thời gian tới, các chính sách liên quan đến quyền lợi của LĐTD sẽ sớm được xây dựng, đồng thời phát huy tốt vai trò của các tổ chức đứng ra đại diện, bảo vệ quyền lợi cho lực lượng này để LĐTD tự tin vươn lên trong cuộc sống. Hơn hết, để bảo vệ an toàn tính mạng cũng như sức khỏe cho chính mình, thay vì chờ đợi Nhà nước có những chính sách cụ thể thì những LĐTD cũng nên tự nâng cao ý thức, tự bảo vệ quyền lợi của mình, yêu cầu chủ sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động, đảm bảo ATVSLĐ, bảo hiểm TNLĐ… khi tham gia lao động để có thể được hưởng các quyền lợi cho bản thân.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.