Đời sống - Xã hội
Luân canh trên ruộng muối
Với tư duy “không cho đất nghỉ”, ngay khi những hạt mưa đầu mùa rớt xuống ruộng muối cũng là lúc diêm dân quay sang tu sửa bờ bao, rửa bớt mặn để lấy nước nuôi tôm, cua, cá, tạo nguồn thu cho gia đình trong những ngày chờ vụ muối mới bắt đầu.
Người dân dẫn nước vào ruộng muối để chuẩn bị thả nuôi các loại thủy sản. Ảnh: C.L
Chuyển đổi mô hình sản xuất
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, vào mùa mưa - nếu không làm muối thì diêm dân sẽ bỏ hoang đất để chờ vụ mới, chứ đất làm muối mặn đắng, sao có thể nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, nhiều diêm dân xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) đã mạnh dạn cải tạo đất để nuôi tôm trên ruộng muối. Anh Nguyễn Văn Lợi chia sẻ: “Trước đây, những ngày không làm muối thì bà con thường bỏ hoang đất cho các loại tôm, cua, cá tự sinh sản, chủ yếu chỉ thu hoạch để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Còn diêm dân thì tìm các công việc bán thời gian quanh quẩn gần nhà, hoặc đi làm ăn xa khi tới vụ muối thì tụ họp về. Nhưng hiện tại, người dân đã tranh thủ nuôi thủy sản trên ruộng muối nên đời sống cũng ổn định hơn trước”.
Do đặc trưng ruộng muối là bờ bao thấp, mặt ruộng bằng phẳng nhưng đất rất cứng và độ mặn trong đất rất cao, vì vậy, để có thể chuyển đổi thành công mô hình sản xuất mới, diêm dân tận dụng nước mưa rửa mặn, be lại bờ ở những nơi trũng thấp để nuôi thủy sản. Còn nếu nuôi cua thì phải rào lưới hoặc bạt để tránh cua bò đi...
Nhằm góp phần tăng thu nhập, giúp giải bài toán việc làm trong những ngày chờ… nắng, diêm dân ở các xã: Điền Hải, An Phúc, An Trạch (huyện Đông Hải) cũng tranh thủ thả nuôi thủy sản trên ruộng muối. Ông Trần Văn Thưa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Doanh Điền (xã Điền Hải), cho biết: “Nếu thu nhập chỉ trông chờ vào vụ muối như trước đây thì cuộc sống của diêm dân còn khó khăn lắm. Vậy nên khi kết thúc vụ muối là tôi và các thành viên trong HTX sẽ giao đất cho xã viên nuôi thêm các loại thủy sản nhằm tăng thu nhập. Cách làm này rất được mọi người đồng tình, ủng hộ và triển khai thực hiện. Hiện nay, toàn bộ 65ha đất sản xuất muối của HTX đều đang nuôi tôm, cua, cá các loại, cho thu nhập từ 60 - 65 triệu đồng/ha”.
Cần sự chung tay của địa phương
Lâu nay, bài toán nâng cao thu nhập cho diêm dân luôn là nỗi trăn trở của tỉnh cũng như các địa phương còn lưu giữ và phát huy nghề làm muối. Câu chuyện rớt giá khi được mùa và mất mùa thì được giá cứ như cái vòng luẩn quẩn, trói chân diêm dân. Việc phát triển mô hình luân canh đã mang lại luồng gió mới trong việc thúc đẩy phát triển sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân xứ biển. Tuy nhiên, điều khiến nhiều diêm dân lo lắng hiện nay là việc thả nuôi trái vụ thường xảy ra nhiều rủi ro. Bởi vào mùa mưa, độ mặn, độ pH... không ổn định, môi trường không thuận lợi khiến các loài vật nuôi dễ bị sốc và chết.
“Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm trên ruộng muối, người dân chỉ nên đầu tư 1 vụ tôm/năm. Bà con nên thả tôm với mật độ vừa phải, giữ mực nước trên khu nuôi ổn định, thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển của các loại thủy sản đang nuôi để khi có phát sinh bệnh thì kịp thời xử lý hoặc thu hoạch để hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, do đây là mô hình luân canh, chờ vụ muối mới nên cần quản lý bờ bao, mặt ruộng tốt, tránh phá vỡ để khi hết mùa mưa là có thể nhanh chóng bắt tay vào sản xuất muối ngay”, ông Hồ Thanh Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, khuyến cáo.
Thiết nghĩ, trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất mà cụ thể là nuôi tôm luân canh trên ruộng muối, ngoài kinh nghiệm được tích lũy, người nuôi rất cần sự quan tâm hỗ trợ, sự đồng hành của các cấp chính quyền địa phương, cũng như những hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan chức năng, nhất là vấn đề kỹ thuật để hạn chế rủi ro, thiệt hại. Qua đó, giúp diêm dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống khi nghề muối vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Chí Linh
- Huyện Phước Long: Họp mặt kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 12 dự thảo văn bản
- Bạc Liêu tham gia họp mặt Khối binh vận tại TP. Hồ Chí Minh
- Khai mạc Lễ hội Quan âm Nam Hải năm 2025
- Khai mạc Giải bóng bàn các CLB tỉnh Bạc Liêu mở rộng năm 2025 tranh Cúp Báo Bạc Liêu