Đời sống - Xã hội
Lục bình dày đặc gây cản trở lưu thông
Trước thực trạng cây lục bình dày đặc trên kênh rạch, gây cản trở xuồng, ghe lưu thông nên nhiều người dân đã dùng thuốc diệt cỏ để xử lý. Tuy nhiên, việc làm này gây nguy hại cho môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các ngành có liên quan để cùng với chính quyền sở tại sớm có giải pháp hữu hiệu, trả lại lòng kênh thông thoáng.
Người dân phun thuốc diệt lục bình trên tuyến kênh Vĩnh Mỹ B - Phước Long. Ảnh: M.Đ
Gây cản trở giao thông
Thời gian qua, nhiều tuyến kênh huyết mạch của tỉnh như kênh Cầu Sập - Ninh Quới, Vĩnh Mỹ B - Phước Long và một số tuyến kênh thuộc huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long và Hồng Dân bị tắc nghẽn do cây lục bình kết tụ, sinh sôi nảy nở nhanh chóng, cản trở dòng chảy khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp khó khăn. Qua các buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp gần đây, nhiều cử tri phản ánh tình trạng lục bình trên các tuyến kênh gây cản trở giao thông, ô nhiễm nguồn nước.
Đi dọc tuyến kênh Vĩnh Mỹ B - Phước Long (đoạn thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình), đâu đâu cũng thấy lục bình kết thành khối dày đặc, chiếm trọn lòng kênh và trải dài hàng cây số. Các xuồng, ghe lưu thông qua đoạn này hết sức vất vả, thậm chí có nhiều phương tiện chết máy giữa dòng do chân vịt vướng phải rễ lục bình. Chị Nguyễn Thị Thảo - người dân xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình) bức xúc cho biết: “Trên các tuyến kênh có nhiều đoạn lục bình dày đặc cản trở giao thông. Trước tình trạng phương tiện không thể lưu thông qua lại, chính quyền địa phương đã vận động người dân vớt lục bình để khai thông. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn thì lục bình lại dày đặc”.
Nguyên nhân khiến cho lục bình bít hết lòng kênh, rạch là do thời gian đóng cống ngăn mặn, giữ ngọt vào mùa khô kéo dài nên lục bình có điều kiện sinh sôi, nảy nở. Mặt khác, một số hộ dân sống dọc tuyến kênh “giam” nuôi lục bình làm nguyên liệu cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Việc này vô hình trung đã ảnh hưởng giao thông thủy và chất lượng nguồn nước, do đó nhiều người đã tìm cách diệt lục bình. Đáng lo ngại là việc người dân dùng thuốc trừ cỏ phun xịt trực tiếp xuống lòng kênh để diệt lục bình, gây nguy hại đến nguồn nước, môi trường chung.
Ô nhiễm môi trường
Khắp các kênh, rạch nội đồng ở một số xã vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh như Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A, Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi); Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Thanh, Hưng Phú (huyện Phước Long); Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình), huyện Hồng Dân… đều dày đặc lục bình nên chính quyền địa phương đã vận động người dân trục vớt. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thì lục bình từ tuyến trên trôi về lại dày đặc dòng kênh như cũ. Nhiều người dân đã dùng thuốc diệt cỏ phun xịt khiến lục bình chết cục bộ, bốc mùi hôi gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường một đoạn dài hàng cây số thuộc tuyến kênh Vĩnh Mỹ B - Phước Long.
Theo ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh: “Hiện tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp nghiên cứu đề xuất mua máy vớt lục bình. Song qua khảo sát các tỉnh thì máy trục vớt lục bình có giá quá cao, khoảng 2,5 tỷ đồng/máy nhưng hiệu quả hoạt động không cao. Do đó, ngành chức năng đang tập trung xem xét, học tập kinh nghiệm các tỉnh trong việc xử lý lục bình trên các tuyến kênh”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có giải pháp nào thật sự hiệu quả để kiểm soát được tình trạng lục bình xâm thực, phủ kín lòng kênh, mương gây cản trở lưu thông đường thủy. Vì vậy, nếu chờ các ngành chức năng học tập kinh nghiệm để xử lý việc lục bình gây tắc nghẽn dòng chảy thì không biết người dân phải chờ đến khi nào?!
Minh Đạt
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Nấm Ngưu Chương Chi SGS thực phẩm chăm sóc sức khỏe được nhiều người lựa chọn sử dụng hiện nay
- Địa long bảo huyết Bricina – Hỗ trợ hồi phục cho người sau đột quỵ
- Hướng dẫn viên du lịch lương bao nhiêu? Cơ hội việc làm ngành hướng dẫn viên du lịch
- Mức lương ngành an ninh mạng có cao không? Cơ hội việc làm của ngành an ninh mạng