Đời sống - Xã hội
Mô hình Địa chỉ tin cậy - “lá chắn” cho những người yếu thế
Khi người phụ nữ bị hành hạ về thể xác, tinh thần…, họ rất cần nơi trú ẩn an toàn và người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Xuất phát từ thực tiễn trên, Hội LHPN tỉnh đã thành lập mô hình Địa chỉ tin cậy (ĐCTC). Hệ thống ĐCTC tại cộng đồng do các cấp Hội Phụ nữ thành lập, nhất là tại những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trở thành “tấm lá chắn” bảo vệ trẻ em, phụ nữ, những người yếu thế trước nạn bạo lực gia đình (BLGĐ).
Cô Thạch Thị Năm (bên trái) thông báo về tình hình đời sống, cuộc sống gia đình của hội viên phụ nữ ấp đến Hội LHPN xã Vĩnh Trạch Đông.
Những người giữ “lửa”
Ấp Giồng Giữa A có hơn 200 hội viên, trong đó trên 90% là đồng bào Khmer. Mỗi khi các hộ dân trong ấp có mâu thuẫn, lục đục… thì cô Thạch Thị Năm - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Giồng Giữa A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) lại thầm lặng làm công việc của một ĐCTC để giúp mọi người tháo gỡ khúc mắc, giữ “lửa” gia đình. Không ngại khó khăn, cô Năm đích thân đến tận nhà các gia đình hay xảy ra xung đột để tuyên truyền, hàn gắn. Mỗi tháng, cô đều tập hợp chị em sinh hoạt Hội giúp các chị em mở lòng chia sẻ những bất hòa trong cuộc sống gia đình để cùng nhau tìm hướng giải quyết.
Có được gia đình đầm ấm như hôm nay, gia đình ông Thạch Uy đã trải qua không ít khó khăn trong hôn nhân. Từng có giai đoạn, vợ chồng ông thường xảy ra cãi vã, đánh nhau, được cô Năm thường xuyên đến nhà khuyên nhủ, hòa giải, giờ đây, vợ chồng ông đã biết quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của nhau, sống hòa hợp, chăm lo làm ăn, nuôi con ăn học.
Từ sự tư vấn, hàn gắn thấu đáo của cô Năm mà nhiều người đã tự sửa sai, các mâu thuẫn trong gia đình được tháo gỡ kịp thời, nhiều đôi “gương vỡ lại lành”, chuyên tâm làm ăn, sự gắn kết gia đình ngày thêm bền chặt, nhiều năm liền ở ấp không xảy ra vụ BLGĐ nào.
Trải qua 25 năm gắn bó với công tác Hội Phụ nữ, ngôi nhà và số điện thoại của cô Võ Kim Hạc - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khóm 8 (Phường 3, TP. Bạc Liêu) đã thành địa chỉ quen thuộc của các hội viên trong khóm. Họ ví cô như người thân, nhà tâm lý hòa giải và xem cô là điểm tựa mỗi khi có chuyện bất hòa đến mọi khúc mắc, khó khăn trong cuộc sống.
Hơn hết, từ khi là ĐCTC đến nay, nhiều chị em đã tìm đến cô để tâm sự, chia sẻ và nhờ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong gia đình. Mỗi cặp vợ chồng mà cô gặp gỡ có những hình thức BLGĐ khác nhau, cô cố gắng giúp cho họ hiểu được khi sử dụng BLGĐ sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và sự phát triển hình thành nhân cách của con cái. Nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, bên bờ vực ly hôn, nhờ có sự tận tình chia sẻ, vận động, hòa giải của cô đã giúp họ quay lại sống với nhau hòa thuận, hạnh phúc.
Với những đóng góp thiết thực góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giữ gìn sự bình yên và đầm ấm cho các gia đình, nhiều năm liền khóm 8 không xảy ra BLGĐ, chủ yếu là những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày.
Cô Võ Kim Hạc tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình đến các hộ dân. Ảnh: T.Q
Ngăn chặn, đẩy lùi BLGĐ
Đến nay, toàn tỉnh duy trì được 652 ĐCTC. Cùng với công tác tư vấn, các ĐCTC tại cộng đồng của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh (là chi hội trưởng các khóm, ấp) còn đưa ra những biện pháp hỗ trợ thiết thực đến từng đối tượng. Phát huy được vai trò người có uy tín ở địa phương nên ĐCTC đã trở thành “cầu nối” hàn gắn những rạn nứt trong mâu thuẫn của các gia đình. Qua thời gian hoạt động, các ĐCTC thật sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho chị em.
Cùng với đó, các ĐCTC tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động cung cấp kiến thức về giáo dục làm cha mẹ, cách chăm sóc, giáo dục con cái, giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình, các kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình, tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ; Thường xuyên theo dõi, nắm bắt, phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng về BLGĐ; kịp thời lên tiếng, phối hợp tham gia giải quyết trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực. Các thành viên ĐCTC còn tham gia sinh hoạt định kỳ “Tổ tiếp phụ nữ”; tổ “Tư vấn pháp luật”, Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”. Đồng thời tham gia cùng các ngành chức năng hòa giải tại cơ sở những vụ việc như: tranh chấp đất đai, gây rối trật tự công cộng, hôn nhân gia đình… góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các mâu thuẫn xã hội và BLGĐ kịp thời, hiệu quả. Trung bình mỗi năm, mỗi ĐCTC đã tư vấn, can thiệp, hỗ trợ hàng chục vụ mâu thuẫn, BLGĐ.
Có thể thấy, mỗi ĐCTC là một mái nhà an toàn, là điểm tựa, điểm đến của phụ nữ và người dân khi gặp những vấn đề khó khăn. Mô hình đã khẳng định sự cần thiết và hữu ích đối với cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là bảo vệ trẻ em, phụ nữ, những người yếu thế trong xã hội tránh khỏi BLGĐ. Qua đó góp phần thực hiện tốt hơn công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Minh Luân