Mỏi mòn chờ những tuyến kênh thông dòng

Thứ Tư, 31/07/2024 | 16:08

Để có thể vận chuyển trang thiết bị, vật tư xây lắp các trụ tua-bin, Công ty cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu và Công ty cổ phần Điện gió Kosy Bạc Liêu (gọi tắt là Công ty Hacom và Kosy) đã đặt cống dọc theo các tuyến kênh cấp 3, kênh nội đồng - nơi có công trình đi qua. Thế nhưng đã gần 3 năm trôi qua, trong khi các hộ nuôi tôm dọc theo những tuyến kênh “khát” nước mặn thì phía 2 công ty vẫn chưa thực hiện cam kết trả lại hiện trạng ban đầu.

Các cống đặt dưới lòng kênh cấp 3 bị bồi lắng khiến dòng nước tắc nghẽn, ô nhiễm. Ảnh: C.L

CẠN KIỆT NGUỒN NƯỚC

Dù cách biển chưa đến 5km, thế nhưng suốt gần 3 năm qua, hàng trăm hộ dân nuôi tôm sống dọc theo các tuyến kênh cấp 3, kênh nội đồng thuộc 2 xã: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình) phải đối mặt với tình trạng thiếu nước mặn. Nguyên nhân của vấn đề này là do Công ty Hacom và Kosy đã đặt cống ngang các tuyến kênh để san lấp mặt bằng nhằm dễ dàng đưa phương tiện cơ giới vào đổ móng, dựng và lắp các trụ điện gió, khiến khu vực này bị phù sa bồi lắng gần như hoàn toàn.

Theo chia sẻ của người dân, vào những tháng mùa mưa nguồn nước có thể ra vào chút ít, nhưng vào mùa khô thì gần như toàn bộ vùng nuôi tôm trong khu vực này phải “treo ao” vì không có nước mặn canh tác. Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, yêu cầu phía 2 công ty phải trả lại hiện trạng ban đầu cho các dòng kênh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lấy nước nuôi tôm. Thế nhưng nhiều năm trôi qua, tình trạng thiếu nước, nước ô nhiễm, dẫn đến tôm nuôi chết hàng loạt, giảm năng suất vẫn chưa được giải quyết.

Ông Tô Vũ Linh (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh) cho biết: “Cống dẫn nước bị nghẹt bít, kênh cạn nước, nguồn nước còn lại do không lưu thông nên ô nhiễm... Nuôi tôm phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước, mà hiện tại nguồn nước không đảm bảo thì làm sao nuôi. Thiếu nước lâu ngày, nguồn nước tù đọng bị ô nhiễm, dẫn đến tôm nuôi chết hàng loạt, giảm năng suất. Nhà tôi có 5ha với nhiều ao tôm siêu thâm canh, thế nhưng do thiếu hụt nguồn nước nên chỉ sản xuất được 5 ao. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì người dân chỉ còn cách bỏ đất đi làm thuê kiếm sống”.

Cùng cảnh ngộ với ông Linh, ông Sơn Huôl (ấp Vĩnh Mới) bức xúc: “Từ khi đơn vị thi công lấp kênh làm đường rồi thay thế đường dẫn nước bằng các cống dẫn dòng nước quá sơ sài khiến nước vào rất ít, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân. Khu vực này có rất nhiều hộ nuôi tôm công nghệ cao, nguồn nước cạn kiệt, người dân không thể lấy nước để canh tác đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế”.

Phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình kiểm tra việc nạo vét tạm thời tuyến cống đầu nguồn nằm dọc theo tuyến đê do Công ty Hacom thực hiện.

CẦN BIỆN PHÁP QUYẾT LIỆT

UBND huyện Hòa Bình đã nhiều lần yêu cầu Công ty Hacom và Kosy sớm thực hiện lời cam kết như đã hứa là trả lại dòng chảy thông suốt cho các tuyến kênh, thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà đến nay 2 công ty vẫn chưa tiến hành. Khi nguồn nước bị tù đọng, dòng chảy ách tắc, người dân kiến nghị lên trên, UBND huyện nhắc nhở thì phía 2 công ty chỉ cho máy múc khơi thông dòng chảy ở tuyến cống đặt xuyên qua tuyến kênh dẫn nước nằm dọc theo tuyến đê và khu vực Mương 1, còn các điểm khác thì “án binh bất động”. Tuy nhiên, việc nạo vét tạm thời của Công ty Hacom và Kosy chỉ là giải pháp tình thế, tình trạng thiếu nước, nước không đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản trong khu vực sẽ vẫn tiếp diễn.

“Hai dự án điện gió Hacom và Kosy đã đưa vào vận hành từ khá lâu nhưng còn hơn 10 tuyến lấp đường làm cống tạm qua các kênh cấp 2, cấp 3 vượt cấp chưa được hoàn trả theo cam kết của 2 công ty. Đây lại là những tuyến kênh chính dẫn nước cho các hộ nuôi tôm. Qua nhiều lần tiếp xúc HĐND tỉnh, huyện, bà con cử tri bức xúc yêu cầu địa phương làm việc với các nhà máy điện gió tháo dỡ các công trình tạm để trả lại hiện trạng ban đầu, tạo thuận lợi cho nguồn nước nuôi tôm. Vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo 2 công ty điện gió. Phía các công ty hứa sẽ làm các cống hộp để đảm bảo nguồn nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, ông Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình, cho biết.

Trước sự phớt lờ của Công ty Hacom và Kosy, thiết nghĩ ngành chức năng cần sớm có biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Bởi lâu nay, mục tiêu phát triển kinh tế của Bạc Liêu là “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Do đó, việc làm tắc nghẽn dòng nước và gây ô nhiễm môi trường nước như trên rõ ràng là đã đi ngược với chủ trương, chính sách chung của tỉnh.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.