Mùa hè - mùa mưu sinh của trẻ em nghèo

Thứ Sáu, 29/07/2022 | 16:04

Ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lẽ ra trẻ em (TE) phải được bảo bọc trong vòng tay mẹ cha, thế nhưng vì nghèo khó mà nhiều em phải sớm đi lao động kiếm tiền để san sẻ gánh nặng cơm áo cho gia đình và có tiền mua quần áo mới đến trường cùng bè bạn.

Tranh thủ dịp hè, nhiều TE đi bán vé số kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Vất vả mưu sinh

Năm nào cũng vậy, mỗi khi hè về là em Lương Minh Hiếu (13 tuổi, khóm Đầu Lộ A, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) lại tất bật theo cha làm phụ hồ. Sau Hiếu còn thêm 3 người em, con đông lại trong độ tuổi ăn học nên đồng tiền bán hàng rong của mẹ và thợ hồ của cha Hiếu chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Tuổi còn nhỏ nhưng Hiếu đã sớm thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ cha nên em tự lập rất sớm. Khoảng 3 năm nay, tranh thủ dịp hè là Hiếu theo cha đi làm để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống của gia đình và mua quần áo, sách vở chuẩn bị vào năm học mới.

Cha mẹ ly hôn, hai anh em Trần Gia Minh (12 tuổi, khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát) sống với mẹ và bà ngoại. Vì hoàn cảnh quá nghèo nên tranh thủ sau giờ học là em theo mẹ đi vá, cắt lưới thuê. Mấy tháng nay được nghỉ hè nên em tranh thủ vá, cắt lưới nhiều hơn. “Nhìn con còn nhỏ tuổi đã phải theo mẹ bươn bả mưu sinh, tôi xót lắm. Thằng bé rất thương mẹ, hiểu chuyện, nhiều lần tôi bảo con ở nhà nhưng cháu không nghe vì muốn đi làm kiếm tiền phụ mẹ nuôi em và lo cho mùa tựu trường sắp tới”, chị Trần Thị Thanh - mẹ Gia Minh, bày tỏ.

Hè năm nào cũng vậy, sau khi tổng kết năm học xong, em Phan Văn Trọng (Phường 1, TP. Bạc Liêu) lại đi bán vé số. Tuy mới 13 tuổi nhưng em đã “hành nghề” này được 5 năm. Nhà Trọng có 5 khẩu, lớn nhỏ đều sống bằng nghề bán vé số và sống chen chúc trong căn nhà trọ trên địa bàn Phường 1. Tuy thu nhập bấp bênh, nhưng những tờ vé số bán được cũng giúp mơ ước đi học của em được tròn vẹn hơn. Trọng cho biết: “Năm nào cũng vậy, hè đến là em lại gắn bó với xấp vé số. Để bán được nhiều vé số, em thường đến nơi đông đúc như quán cà phê, quán ăn, quán nhậu… mời khách. Mỗi ngày, em bán được khoảng 70 - 100 tờ vé số, trừ chi phí ăn uống, số còn lại em dành dụm để mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới”.

Trò chuyện với nhiều TE nghèo, mới thấy phía sau cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn ấy là những mơ ước cháy bỏng rất giản dị: có được tập sách, quần áo để đến trường. Nhìn những ánh mắt thơ ngây, nụ cười hồn nhiên của các em, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

TE phải sớm bươn chải mưu sinh vì gia đình nghèo khó. Ảnh: T.Q - H.T

Còn lắm thiệt thòi

Thực tế cho thấy, vào dịp nghỉ hè, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều học sinh nghèo phải lao vào cuộc mưu sinh, không được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái. Đó là những buổi sáng theo cha mẹ ra đồng, ra biển đến tối mịt mới về, hay phơi nắng ngoài đường để bán vé số, bán kẹo bánh, nhặt ve chai… Tuy tuổi còn nhỏ nhưng các em đã có ý thức lao động, có trách nhiệm với gia đình. Biết phụ giúp cha mẹ là điều đáng trân trọng, nhưng việc phải lao động sớm khiến các em rất dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro về thể chất. Các em không những bị hạn chế thời gian học tập, vui chơi - giải trí, mà còn rất dễ dẫn đến nguy cơ bỏ học. Ngoài ra, việc phải tham gia lao động sớm khiến các em dễ bị lôi kéo vào những hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội và có nguy cơ cao bị lạm dụng, bóc lột, xâm hại…

Theo Phòng Bảo trợ xã hội - TE và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), toàn tỉnh hiện có gần 1.300 TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ. Thời gian qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo TE nghèo như: xây dựng xã, phường phù hợp với TE; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho TE; trợ giúp kịp thời trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; đào tạo nghề, cấp học bổng, tặng thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức các hoạt động vui chơi và tặng quà nhân Tháng hành động Vì TE, tết Trung thu… Tuy nhiên những hỗ trợ này vẫn chưa theo kịp so với nhu cầu thực tế. Bởi, muốn chấm dứt tình trạng TE phải lao động sớm thì cần những giải pháp dài hơi. Trong khi đó, việc chăm lo cho TE vẫn gặp không ít khó khăn, một phần là do kinh phí hạn hẹp, đội ngũ cán bộ chuyên trách về chăm sóc, bảo vệ TE ở địa phương còn thiếu và yếu, một phần còn vướng những rào cản từ chính gia đình và cộng đồng xã hội…

Không được chăm lo đủ đầy về vật chất và tinh thần, tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo luôn sớm oằn nặng những lo toan, vất vả vì miếng cơm manh áo. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm cần tạo điều kiện hơn nữa cho TE nghèo, TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện tiếp cận với môi trường sống tốt hơn, an toàn hơn để mọi TE đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và phát triển toàn diện.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.