Năm 2025: Tiếp tục chung sức vì hộ nghèo

Thứ Sáu, 17/01/2025 | 17:25

Một trong những thành tựu quan trọng đạt được trong năm 2024 chính là Bạc Liêu đã quan tâm làm tốt công tác giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm. Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào công tác an sinh và thúc đẩy kinh tế - xã hội không ngừng phát triển.

Lao động nghèo được giải quyết việc làm ở các nhà máy xuất khẩu thủy sản TX. Giá Rai.

VỀ ĐÍCH SỚM 1 NĂM

Năm 2024, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Sở LĐ-TB&XH với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động tốt các nguồn lực trong thực hiện các chính sách giảm nghèo để đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, cùng với nguồn hỗ trợ đầu tư của Trung ương, Bạc Liêu còn vận động các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài thông qua nhiều hình thức như: vận động từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 2.894 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí trên 113 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung cho hơn 9.900 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng được thụ hưởng chính sách khác vay tín dụng ưu đãi, với tổng số tiền trên 330 tỷ đồng; cấp 39.998 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, với số tiền trên 38,8 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh phân công giúp đỡ 2.373 hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 12,6 tỷ đồng. Đặc biệt, mỗi năm tỉnh chọn một xã, cấp huyện chọn một xã và mỗi cấp xã/phường chọn một ấp/khóm để thực hiện Năm Dân vận khéo. Qua đó, huy động nguồn hỗ trợ tinh thần, vật chất, kinh phí, góp phần quan trọng cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra trong năm 2024, tỉnh đã nỗ lực giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên 13,5 tỷ đồng, chủ yếu thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình. Hiện tại, các địa phương đã đồng loạt triển khai thực hiện mô hình sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo. Vận động hàng ngàn suất quà hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh nhân các dịp lễ, tết... 

Từ những hoạt động thiết thực, ý nghĩa này đã góp phần không nhỏ cho thành công của công tác giảm nghèo của tỉnh. Nếu đầu năm 2024, toàn tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều chiếm 4,75% (trong đó, tổng số hộ nghèo là 3.886 hộ, chiếm tỷ lệ 1,71% và tổng số hộ cận nghèo là 6.911 hộ, chiếm 3,04%), thì đến cuối năm chỉ còn 2,55% (trong đó, 1.581 hộ nghèo và 4.236 hộ cận nghèo). Từ kết quả đạt được, có thể nói chỉ tiêu hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh đã thực hiện về đích sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra (theo Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đến năm 2025, có giao chỉ tiêu: phấn đấu đến cuối năm 2025, bình quân toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2%).

Đoàn viên - thanh niên Phường 2 (TP. Bạc Liêu) hỗ trợ thực phẩm cho hộ nghèo. Ảnh: T.A

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT, TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI

Công tác giảm nghèo tuy gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: do điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh còn khó khăn, nên việc giải quyết nhu cầu việc làm và đa dạng sinh kế của người dân địa phương còn hạn chế; một bộ phận hộ nghèo không có đất sản xuất, không có vốn kinh doanh, phương tiện và hạn chế về kiến thức, kỹ năng về sản xuất; trong gia đình có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn, không có lao động… nên không thể thoát nghèo; một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững…

Để công tác giảm nghèo được bền vững, ngày càng đạt được hiệu quả cao, năm 2025, Sở LĐ-TB&XH đề xuất một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Theo đó, cần tập trung đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Cùng với đó, tổ chức rà soát phân loại từng nhóm hộ nghèo, cận nghèo theo chiều thiếu hụt như: nhóm hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, nhóm hộ nghèo có lao động không có việc làm, có nhu cầu học nghề hoặc cần tư vấn giới thiệu việc làm, nhóm hộ nghèo không còn khả năng lao động... để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách giảm nghèo đặc thù, phù hợp với điều kiện của tỉnh; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo. Thực hiện lồng ghép yếu tố giới và trẻ em trong chính sách giảm nghèo. Huy động, sử dụng và giám sát hiệu quả mọi nguồn lực cho các chương trình và chính sách giảm nghèo của tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, các đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Kết hợp với các ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực, quyết tâm vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh…

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025

Sở LĐ-TB&XH sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp hợp lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gắn với tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị đào tạo các cơ sở GDNN; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ sư phạm giỏi, kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt. Qua đó tổ chức đào tạo nguồn lực lao động của tỉnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh và nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động.

Tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh đầu tư và hoạt động GDNN nhằm đa dạng hóa loại hình đào tạo và nâng cao năng lực đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh.

Tăng tần suất và hiệu quả tuyên truyền, tư vấn, kết nối việc làm trong, ngoài tỉnh và nước ngoài cho NLĐ. Thường xuyên cập nhật và mở rộng thị trường lao động, chú trọng thị trường lao động trong tỉnh, thị trường có tiềm năng và thu nhập tốt; đa dạng hóa hình thức tạo làm việc, gắn với việc làm bền vững cho NLĐ. Tiếp tục phát huy kết quả đã được trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp (kết hợp cả thời hạn và thời vụ)…

TÚ ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.