Nâng tầm đặc sản quê hương

Thứ Sáu, 10/01/2025 | 15:06

Với “rừng vàng, biển bạc”, đâu đâu ở Bạc Liêu cũng có những sản vật phong phú từ lúa, muối, rau màu đến các loại thủy hải sản. Bằng tư duy nhạy bén, năng động, nhiều người dân đã mạnh dạn biến tấu, chế biến nâng tầm đặc sản địa phương thành hàng hóa có giá trị cạnh tranh, mở đường đưa sản phẩm chất lượng cao của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước.

Chị Quyển Đình chuẩn bị nguồn cá khô cung ứng thị trường tết Nguyên đán. Ảnh: T.Q

TỪ DÂN DÃ THÀNH ĐẶC SẢN

Từ những con cá rô, sặc, lóc dân dã của đồng đất quê hương, chị Trần Thu Ba (ấp Mỹ Trinh, xã Hưng Phú, huyện Phước Long) đã chế biến thành sản phẩm mắm ngon nức tiếng.

Nhà có hơn 2ha đất trồng lúa, sau mỗi vụ gặt lúa thì gia đình chị Thu Ba lại thu hoạch thêm lượng lớn cá đồng. Do ăn không hết nên chị tranh thủ làm mắm. Được mẹ chồng truyền bí quyết làm mắm, chị làm một ít biếu cho người thân, láng giềng, ăn vào ai cũng khen ngon rồi khuyên chị làm mắm bán. Sau nhiều lần suy tính, cuối năm 2018, cơ sở sản xuất mắm cá đồng Út Sinh đã ra đời.

Sử dụng nguồn cá ruộng nhà và thu mua thêm của bà con trong vùng, chắt lọc từ kinh nghiệm và công thức làm mắm gia truyền, con mắm do chính tay chị làm ra có màu vàng mật đẹp mắt, hương vị khác hẳn những loại mắm cá đang được bán trên thị trường. Cho nên, từ việc chỉ bán lẻ cho vài hộ, giờ mỗi ngày có rất nhiều người trong và ngoài huyện đặt mua. Trung bình mỗi năm chị bán trên 6 tấn mắm cá rô, sặc, lóc; riêng trong năm 2024, chị bán đến 15 tấn. Dù đã mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng làm mắm gấp 2 - 3 lần, song vẫn không đủ cung ứng.

Con cá phi vốn là món ăn dân dã của người dân 2 vùng sinh thái mặn - ngọt. Giá rẻ, dễ tìm nên cá phi có giá trị khá thấp, ấy vậy mà, qua bàn tay chế biến khéo léo của chị Võ Thị Quyển Đình (xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai), đã trở thành món đặc sản khô cá phi phi lê, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Sau khi đưa sản phẩm nhận diện trên thị trường, chị Đình đẩy mạnh chiến lược marketing, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng công nghệ số, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại… Nhờ vậy, đến nay sản phẩm khô cá phi phi lê của cơ sở Quyển Đình từng bước có mặt ở những thị trường lớn, tiềm năng hơn. Mới đây, chị chế biến thêm món chà bông cá phi, tuy chào sân chưa đầy nửa năm, song sự mới lạ, vị thơm lừng của chà bông cá phi đã được nhiều người ưa chuộng, đơn hàng đến dồn dập.

“CHẮP CÁNH” CHO ĐẶC SẢN VƯƠN XA

Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng ông Lâm Vũ (ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) rời đất nước Thụy Điển xa xôi trở về quê lập nghiệp. Những ngày đầu, ông rất thích thú khi thấy trong vườn các hộ láng giềng có rất nhiều cây sơ-ri. Vốn có kinh nghiệm 30 năm làm việc trong các cơ sở sản xuất rượu vang của các nước châu Âu, ông nghĩ nếu châu Âu có trái nho để làm rượu thì Bạc Liêu sẽ có rượu vang sơ-ri. Vậy là ông trồng thử nghiệm 350 cây sơ-ri, hơn 1 năm sau cây cho trái và ông bắt đầu nghiên cứu cách sản xuất rượu. Và ông đã xây dựng hẳn một khu nhà cao thoáng mát, sạch sẽ để làm nơi chưng cất rượu và hầm chứa rượu.

Người tiêu dùng đến tham quan cơ sở, có thể ra vườn tự tay hái trái để ăn, nghe nói về quy trình làm rượu và thưởng thức rượu sơ-ri. Ngoài dùng sơ-ri, ông còn dùng một số loại trái cây do người dân địa phương trồng như: bí đao, khóm, ổi… để làm rượu cho phong phú sản phẩm.

Những chai rượu vang từ những loại trái cây dân dã kết hợp với công thức chế biến hiện đại đã đưa cơ sở rượu vang sơ-ri Vallenstina Lâm Vũ không ngừng vươn xa đến thị trường trong và ngoài nước, là món quà biếu sang trọng, ngon mà giá cả lại “mềm” hơn các sản phẩm rượu vang cùng loại.

Với mong muốn chinh phục người tiêu dùng bằng những sản phẩm đồng quê chất lượng, dinh dưỡng cao, chị Nguyễn Thị Hồng Nhanh (ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) đã đưa con cá thát lát quen thuộc của địa phương trở thành món đặc sản ngon, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Ngoài chế biến thành chả cá thát lát theo vị truyền thống, chị còn chế biến thêm cá thát lát tẩm gia vị sả nghệ. Sản phẩm làm ra đều được đóng gói, hút chân không và có bao bì, chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu độc quyền nên được nhiều người tin dùng.

Hơn 7 năm khẳng định chỗ đứng trên thị trường, hiện tại, mỗi tháng cơ sở sản xuất từ 500kg đến hơn 1 tấn chả cá theo hợp đồng của khách hàng khắp nơi. Mới đây, chị còn phát triển thêm sản phẩm bánh phồng cá lóc, góp phần đưa thêm một món sản vật nhà quê thành món ăn ngon, chất lượng đến với người tiêu dùng.

Nhìn lại hành trình vượt khó để đi đến thành công như hôm nay, điều những người dân, chủ cơ sở tâm đắc nhất không chỉ là nguồn doanh thu hàng tháng mà còn là các nông sản được “chắp cánh” sang thị trường lớn hơn, góp phần khẳng định, nâng tầm thương hiệu cho đặc sản của quê hương.

MINH LUÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.