Đời sống - Xã hội
Nghề làm bánh, mứt truyền thống vào mùa Tết
Gần Tết là thời điểm những cơ sở, gia đình làm nghề truyền thống tất bật đẩy nhanh tiến độ sản xuất để đưa ra thị trường các sản phẩm bánh, mứt, khô, tôm chao… chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhờ đó, những người làm nghề vừa có thêm thu nhập để lo Tết, vừa có điều kiện giữ gìn nghề truyền thống của gia đình.
Bà Trương Thị Tiến nướng bánh bông lan truyền thống.
Làm hết công suất
Dù cuộc sống có thay đổi theo hướng hiện đại đến mức nào thì các món bánh, mứt truyền thống như: mứt gừng, mứt dừa, bánh bông lan, bánh kẹp... cũng không thể thiếu trong những ngày Tết của các gia đình Việt. Đa số các gia đình làm bánh, mứt truyền thống theo phương pháp thủ công với quy mô nhỏ, nhưng đổi lại chất lượng bánh, mứt làm ra thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy máy móc hiện đại có thể thay thế cho một số công đoạn, song bà Trương Thị Tiến (ấp Béc Hen nhỏ, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) vẫn trung thành với cách làm bánh thủ công truyền thống, đánh trứng, trộn bột bằng tay và nướng trực tiếp trên lửa than nên cái bánh bông lan có độ mịn, mùi vị rất thơm ngon và tự nhiên. Được mẹ truyền nghề làm bánh bông lan từ khi còn rất nhỏ, lớn lên lập gia đình xa quê, mỗi lần Tết đến hay có đám tiệc bà liền trổ trài nướng bánh bông lan đãi khách, ai ăn cũng khen ngon và đặt hàng. Vậy là từ đó, trải qua hơn 50 năm, vào những dịp lễ hay đến ngày cận Tết, bếp bánh của bà luôn tỏa hơi ấm, bà Tiến phải làm suốt ngày đêm mới kịp cung ứng cho khách hàng. Ngoài bánh bông lan, bà Tiến còn có thể làm được nhiều loại bánh dân gian khác như: bánh nhúng, bánh kẹp… Trước đây khi sức khỏe còn tốt, vào mùa Tết, bà phải thuê thêm nhân công phụ giúp mới kịp trả đơn hàng cho khách. Tết năm nay, bà chỉ nhận khoảng 2.000 cái bánh bông lan và gói 300 - 500 đòn bánh tét.
Thấy xung quanh khu vực sinh sống có rất nhiều người trồng cau kiểng, đến khi trái già đi thì đốn bỏ, trong khi trái cau làm mứt được nhiều người ưa chuộng vì tốt cho sức khỏe, lại khá ngon. Do đó, hơn 7 năm qua, bà Nguyễn Thị Hồng Vân (ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) đã gắn bó với nghề làm mứt cau kiểng. Bà Vân cho biết, để có trái cau ngon, việc đầu tiên cần phải chọn được những trái chín vừa vì nếu lấy trái già hạt sẽ cứng không nhai được. Còn nếu non quá làm mứt sẽ nhão. Để có mẻ mứt cau ngon thì sau sơ chế, trái cau được phơi trực tiếp dưới ánh mặt trời, phải đảo thường xuyên để nguyên liệu thấm đều. Do trái cau có quanh năm nên bà cũng làm mứt xuyên suốt, đặc biệt vào mỗi dịp Tết, bà bán khoảng 50kg mứt cau, phải làm liên tục mới đủ cung ứng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân chuẩn bị mứt cau giao cho khách. Ảnh: T.Q
Cá khô, tôm chao, dưa kiệu đắt hàng
Tết là thời điểm các mặt hàng khô cá, tôm khô, khô bò, khô trâu, tôm chao... được tiêu thụ mạnh. Nắm bắt nhu cầu thị trường, ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, các hộ, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chủ động chuẩn bị nguồn hàng. Không khí làm việc tại các cơ sở, hộ dân vì thế cũng sôi động hẳn lên.
Hơn 1 tháng qua, không khí làm việc của gia đình chị Huỳnh Thị Ngọc Khương (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) hết sức tất bật. Có hơn 20 năm kinh nghiệm làm tôm chao, dưa kiệu nên đến nay, các sản phẩm do chị Khương làm ra có hương vị ngon, riêng biệt nên được đông đảo thực khách ưa chuộng. “Tiếng lành đồn xa”, từ bỏ mối một vài sạp hàng nhỏ, đến nay, sản phẩm tôm chao, dưa kiệu của chị đã có mặt khá rộng rãi ở các chợ, khu du lịch, các quán ăn trong tỉnh và cũng đã có mặt ở thị trường các tỉnh, thành phố: Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở miền Bắc. Hiện tại, chị đã nhận đơn hàng khoảng hơn 300 hũ tôm chao, dưa kiệu, dưa món. Dự kiến từ đây đến Tết, số lượng sẽ còn tăng lên khá nhiều. Do đó, cả nhà tranh thủ làm ngày đêm để đủ hàng cung ứng.
Gắn bó nghề làm khô hơn 20 năm, bà Mộng Tuyền (ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) cho biết, nghề làm khô diễn ra quanh năm nhưng sôi động nhất vẫn là phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Cứ trước Tết khoảng 2 tháng là thời điểm bắt đầu vào mùa khô phục vụ Tết. Trung bình mỗi đợt, bà làm vài chục ký, đến cận Tết số lượng tăng 3 - 4 lần mới đủ cung ứng cho thị trường.
Đến thời điểm này, những mặt hàng truyền thống khác cũng đang rầm rộ vào mùa như: tôm khô, cá khô, bánh tráng, mắm chua, kẹo thèo lèo, mứt khéo, mứt gừng..., cũng được rất nhiều người tìm mua vào dịp Tết. Các món ăn truyền thống này được ưa chuộng không chỉ vì ngon, lạ mà còn bởi được chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng phụ gia khi chế biến.
Trong thời đại 4.0, vẫn còn đó những người luôn tìm cách giữ lửa, giữ hương cho Tết với các loại bánh, mứt, khô mộc mạc, dân dã. Việc các gia đình duy trì “lửa nghề” còn giúp nhiều lao động địa phương có thêm việc làm, cải thiện thu nhập mỗi độ tết đến xuân về.
Minh Luân
- Tặng 200 suất quà cho người dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới 2025
- TP. Bạc Liêu: Tuyên truyền cá biệt thanh niên vi phạm luật giao thông
- Thăm và hỗ trợ tiền đợt 2/2024 cho thương binh Huỳnh Tấn Sĩ
- Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu tổ chức chương trình rút thăm may mắn
- Bộ KH-ĐT: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 ước đạt khoảng 6,8 - 7%