Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt ở nông thôn

Thứ Tư, 16/08/2023 | 16:20

Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt (gọi chung là rác thải) ở nông thôn là vấn đề được đặt ra từ lâu, song cho đến nay, nhiều địa phương vẫn cứ loay hoay bàn tìm giải pháp. Trong khi lượng rác thì ngày một nhiều thêm, dẫn đến tình trạng ùn ứ tại các điểm tập kết. Bên cạnh đó là tình trạng vứt rác bừa bãi ra các ao, kênh mương và trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân.

Một hộ dân ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) đốt rác thải sinh hoạt.

Còn nhiều bất cập

Để hướng đến xây dựng nông thôn Bạc Liêu trở thành những vùng quê đáng sống, các địa phương trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng những tuyến đường rợp bóng cây xanh, điện thắp sáng chạy dài suốt tuyến, mang lại diện mạo mới cho nhiều làng quê.

Tuy nhiên, về công tác thu gom xử lý rác thải lại còn nhiều hạn chế. Theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), mỗi xã phải xây dựng một bãi rác, nhưng đến nay, số xã có bãi rác chưa nhiều. Hầu hết các xã dù đã đạt chuẩn NTM, nhưng cũng chỉ có các bãi chứa rác tạm thời, hoặc các bãi rác trung chuyển và luôn ở trong tình trạng quá tải. Bởi lẽ, các biện pháp thu gom rác còn ở quy mô nhỏ, phần lớn do các hợp tác xã tự tổ chức thu gom, với phương tiện xe thô sơ, không đúng quy cách và thời gian thu gom cũng không thống nhất. Tại nhiều địa phương, việc thu gom rác chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, chưa đáp ứng được yêu cầu thu gom rác toàn khu vực, từ đó đã dẫn tới tình trạng rác thải sinh hoạt ứ đọng thường xuyên, tràn cả ra lòng đường…

Ở số tuyến đường xe rác không đến thu gom được thì người dân tự xử lý bằng cách đốt, chôn lấp trong vườn nhà, hoặc thải trực tiếp ra vườn, ao, kênh rạch... gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, nhất là khu vực nông thôn. Bà T.T.T (xã Phước Long, huyện Phước Long) bức xúc: “Tuy có bố trí người thu gom rác nhưng việc thu gom không đều nên nhiều hôm rác ùn ứ mấy ngày mới có người đến gom. Trước việc rác ùn ứ, bốc mùi hôi thối, nhiều hộ đã tự đào hố chôn lấp hoặc gom lại tưới xăng tự đốt. Tôi thấy cách làm này còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn”.

Tại một số xã sau khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom rác. Tuy nhiên, do chưa có chính sách hỗ trợ nên các hoạt động thu gom rác thải vẫn còn nhiều bất cập. Hầu hết các tổ chức xã hội ở NTM mới thực hiện được các nội dung về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về những nguy hại của rác thải sinh hoạt, vẫn chưa có các biện pháp xử lý, dẫn đến tình trạng ứ đọng, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Công nhân vệ sinh môi trường TX. Giá Rai thu gom, xử lý rác thải trôi dạt vào bờ dọc theo tuyến kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau. Ảnh: C.L

Cần những giải pháp đồng bộ

Tình trạng quản lý, xử lý rác kém hiệu quả đã và đang là nỗi trăn trở trong cộng đồng dân cư, ở nông thôn, đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Tài nguyên - Môi trường. Giải quyết bài toán rác thải không chỉ một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có sự thay đổi từ nhiều phía, theo hướng chuyên nghiệp, bài bản trong việc thu gom, xử lý rác thải. Để hướng tới bảo vệ môi trường nông thôn bền vững, trả lại môi trường sống trong lành và bảo đảm sức khỏe cho người dân, trước hết phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để mọi người dân thấy được bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp ở đường làng, ngõ xóm là bảo vệ cho chính mình. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần thực hiện nghiêm các biện pháp đã quy định trong việc xử lý rác thải tại địa phương. Bãi rác của xã, thị trấn phải được đưa đi xử lý kịp thời, đúng quy trình đến các bãi rác thải tập trung, hạn chế lượng rác ứ đọng nhiều ngày. Tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải ở những khu vực công cộng, khu dân cư tập trung…

Ông Trương Thụy Long - Bí thư Đảng ủy ấp Bờ Xáng (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Trong các buổi sinh hoạt chi bộ ấp, tôi luôn kêu gọi, vận động mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường trong sinh hoạt hằng ngày. Để từ đó góp phần xây dựng quê mình ngày thêm xanh - sạch -đẹp”.

Số lượng rác thải nông thôn ngày một tăng tỷ lệ thuận với sự gia tăng ngày càng cao của dân số nông thôn. Chúng có thể phát sinh ở bất cứ khu vực như tại các hộ gia đình, khu chợ, khu vui chơi giải trí, trường học… Thói quen vứt rác ra góc ruộng, bờ ao, bờ sông... đang biến môi trường nông thôn ngày càng xấu đi. Vì vậy công tác thu gom rác thải nông thôn hiện nay đang là một thách thức cho chính quyền địa phương. Đã có nhiều giải pháp, mô hình hữu hiệu trong việc xử lý rác thải nông thôn, quan trọng là các địa phương, ngành chức năng và chính người dân phải có sự đồng lòng cho mục tiêu giảm rác thải, bảo vệ môi trường ở những vùng quê.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.