Đời sống - Xã hội
Nhiều kỳ vọng từ Đề án cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn
Trước nhu cầu bức thiết của người nghèo, các đối tượng chính sách về nguồn vốn giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, UBND tỉnh đã ban hành Đề án cho vay bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2024. Qua đó nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh và thi đua giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Mô hình trồng rau màu từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng CSXH huyện Phước Long.
NHU CẦU BỨC THIẾT
Chỉ tính riêng lĩnh vực việc làm, trong giai đoạn 2021 - 2024, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Trung ương và địa phương chỉ mới đáp ứng được cho 22.342/69.315 lao động được tạo việc làm (chiếm 32,2%), số lao động còn lại chưa được vay vốn để tạo việc làm bền vững, kéo theo đó tỷ lệ thất nghiệp tăng. Trong khi đó, những lao động này thuộc đối tượng được cho vay theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Xuất phát từ thực trạng này với mục tiêu cho người nghèo, các đối tượng chính sách được vay vốn, giải quyết nhu cầu việc làm, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động ở địa phương phục vụ quá trình tăng trưởng, phát triển bền vững của tỉnh, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, UBND tỉnh đã ban hành Đề án cho vay đối với người nghèo, các đối tượng chính sách bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Qua đó, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Ngoài ra, còn giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có chuyển biến tích cực về nhận thức thoát nghèo, về cách làm ăn, về quản lý và sử dụng vốn vay có hiệu quả, về ý thức trả nợ, quen dần với cơ chế thị trường. Hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tham gia sinh hoạt cộng đồng, học hỏi kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh và tăng dần vị thế trong xã hội…
Hộ nghèo làm thủ tục vay vốn giải quyết việc làm từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hồng Dân. Ảnh: K.T
DÀNH 200 TỶ ĐỒNG CHO ĐỀ ÁN
Theo Đề án, để góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định trật tự xã hội, đối tượng thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo (từ 1.000 hộ trở lên) được vay bình quân 40 triệu đồng/hộ. Đồng thời, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ 4.000 lao động trở lên với mức vay bình quân 40 triệu đồng/lao động. Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án là 200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huy động là 148 tỷ đồng và từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH 52 tỷ đồng.
Các đối tượng thụ hưởng Đề án phải là những cá nhân không có hành vi vi phạm pháp luật tại thời điểm xem xét cho vay, là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (hộ mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trước thời điểm vay vốn không quá 3 năm) có phương án sản xuất - kinh doanh, có nhu cầu vay vốn; người lao động có nhu cầu vay vốn để hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng CSXH theo Quyết định 05 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030. Đồng thời, hỗ trợ vốn sản xuất - kinh doanh cho 1.000 hộ gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 4.000 lao động trong tỉnh, nhất là lao động nông thôn, thanh niên lập nghiệp thiếu vốn sản xuất… để thực hiện các dự án duy trì và tạo việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo, rơi vào hộ nghèo.
Đặc biệt, Đề án sẽ góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó góp phần giữ vững, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở địa phương, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hạn chế tín dụng đen. Xây dựng tình đoàn kết, trách nhiệm, gắn bó trong cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác và củng cố hơn nữa lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước…
LƯ DŨNG
Để thực hiện thắng lợi Đề án, UBND tỉnh chỉ đạo:
Tiếp tục phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đối với tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Báo Bạc Liêu, Đài PT-TH Bạc Liêu, Cổng thông tin điện tử của tỉnh phối hợp với Ngân hàng CSXH, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác tăng cường công tác tuyên truyền hoạt động tín dụng CSXH và các nội dung của Đề án, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả đầu tư vốn của Nhà nước, của tỉnh. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ khi vay vốn và sử dụng vốn.
Duy trì và triển khai đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; tiếp tục tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH Trung ương, có giải pháp huy động vốn tại địa phương, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh của hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt phương thức quản lý vốn tín dụng CSXH đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở (huyện, xã) đặc biệt là trách nhiệm quản lý nhà nước của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc tham gia tổ chức thực hiện và quản lý nguồn vốn đầu tư của Đề án.
Phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác trong việc thực hiện tín dụng CSXH. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn, tình hình sử dụng vốn của người vay; công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của Ngân hàng CSXH. Nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch tại xã, thực hiện công khai về các thông tin, các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn…
- Huyện Phước Long: Họp mặt kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 12 dự thảo văn bản
- Bạc Liêu tham gia họp mặt Khối binh vận tại TP. Hồ Chí Minh
- Khai mạc Lễ hội Quan âm Nam Hải năm 2025
- Khai mạc Giải bóng bàn các CLB tỉnh Bạc Liêu mở rộng năm 2025 tranh Cúp Báo Bạc Liêu