Nhọc nhằn nghề khuân vác

Thứ Tư, 14/09/2022 | 17:32

Nghề khuân vác - một trong những nghề nặng nhọc và vất vả; người làm nghề này luôn đắm mình trong mồ hôi nhễ nhại nhưng thu nhập lại bấp bênh. Họ là lao động tự do, cho nên hễ có ai thuê là họ làm, cứ có việc là mừng.

Người làm nghề khuân vác sắp xếp lúa vào bãi chờ chủ ghe đến cân.

NẶNG NHỌC VẪN PHẢI LÀM

Dưới cái nắng gay gắt sau mấy ngày mưa dầm, dù đang giữa đồng trống nhưng bầu không khí dường như bị cô đặc, nóng bức đến khó chịu. Ngay cả những anh tài công máy cắt vốn đã quen với việc ngồi ròng rã trên máy giữa đồng gần như suốt ngày cũng không chịu nổi cái nóng mà phải đánh lái vào bờ tìm bóng râm nghỉ tạm. Duy chỉ có những chú, những anh làm nghề khuân vác thì vẫn cần mẫn với công việc, vì miếng cơm manh áo cho gia đình mà phải gồng mình để kịp xuống cho đầy ghe lúa. Nắng nóng khiến cho những bước di chuyển của mọi người cũng chậm nhịp hơn. Chiếc đòn dài bằng gỗ nối từ ghe lúa vào bờ dường như cũng thấu hiểu được sự vất vả, nỗi lo toan của người làm nghề khuân vác nên cũng cố gồng mình nâng từng nhịp bước của họ.

Vừa được đồng đội hỗ trợ kéo sợi dây buộc tạm miệng bao để đổ lúa xuống ghe, anh Trần Thanh An (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) kéo vội chiếc nón tai bèo đang đội để lau những giọt mồ hôi đầm đìa đang lăn dài từ trên trán xuống cằm. Với tay về phía bình nước đặt ở đầu ghe, múc vội cốc đá lạnh uống cầm hơi, anh An tâm sự: “Nghề này là vậy đó, hết việc thì nghỉ chứ không hết giờ. Đang vô vụ thu hoạch rộ nên anh em phải tranh thủ làm để còn qua cánh đồng khác nhận chuyển lúa xuống ghe cho người ta. Bữa nay chắc tới tối mịt mới xong việc”. Nói xong, anh An liền múc thêm một cốc nước nữa, đổ ra rửa mặt lia lịa như để xua đi cái nóng, rồi lại bước vội từ dưới ghe lên bờ để cùng vác lúa với anh em trong đội.

Mấy anh em trong đội khuân vác của anh An cũng chia sẻ, thấy nghề này có vẻ đơn giản, nghĩ ai có sức khỏe tốt là làm được, nhưng hoàn toàn không phải thế. Bởi lẽ, ngoài sức khỏe tốt còn đòi hỏi sự dẻo dai và bền bỉ để không nản lòng mà duy trì công việc.

Thành viên trong đội khuân vác của anh Tiện vận chuyển muối xuống ghe. Ảnh: C.L

VÌ CHÉN CƠM, MANH ÁO

Cùng làm nghề khuân vác như nhau, nhưng công việc vác lúa đỡ vất vả hơn vác muối. Bởi, ngoài sức nặng của những cần xé muối thì chuyện bị muối “ăn mòn” dẫn đến lở vai, cổ, chân, tay là điều không tránh khỏi.

Với dáng người mảnh khảnh, làn da đen sạm vì phơi mình dưới nắng gió, bàn tay, đôi vai chai sần vì khuân vác hàng hóa..., nhân phút nghỉ ngơi khi chờ chủ ruộng và lái tính tiền muối, anh Nguyễn Văn Tiện (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Cái nghề khuân vác này cực và tổn sức lắm, nhưng được cái gần như có việc làm suốt, hết vụ muối thì quay sang đi làm cho các chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp, xây dựng, hễ họ gọi là anh em chúng tôi tới ngay. Tội nhất là mấy anh em mới vào nghề, bị muối “ăn mòn” chảy máu vẫn phải cố làm, tối về đau nhức chịu không nổi, có người cùng lắm cũng chỉ cố làm được vài bữa rồi cũng chạy kiếm việc khác làm vì không chịu nổi khối lượng công việc”.

Quả thật, kiếm đồng tiền từ nghề khuân vác không hề dễ, phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới kiếm được từ 400.000 - 500.000 đồng/người/ngày. Vất vả, nặng nhọc là thế, nhưng do lao động chủ yếu là thời vụ, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động chỉ là giao dịch, thỏa thuận bằng miệng mà không có bất cứ hợp đồng nào, nên khi xảy ra rủi ro, người lao động phải tự gánh chịu hậu quả. “Trầy xước chân tay là chuyện bình thường, nặng là bị bong gân, trật khớp gối; làm không cẩn thận thì gặp rủi ro, mình cũng phải tự chịu. Nhiều người thuê có lòng thương thì họ cho thêm ít tiền để mua thuốc”, anh Tiện chia sẻ thêm.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.