Nhọc nhằn nghề mộc

Thứ Năm, 27/04/2017 | 09:14

Từ những thanh gỗ sần sùi, thô kệch, nhưng khi qua đôi bàn tay khéo léo cùng óc sáng tạo của những người thợ mộc, chúng trở thành những sản phẩm lộng lẫy, đẹp mắt gắn liền với những sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình. Thế nhưng, để cho ra đời những sản phẩm phục vụ đời sống, làm đẹp cho đời, những người thợ mộc phải lao động rất vất vả.

Thợ mộc gia công đồ gỗ tại cơ sở của anh Hoàng Nghĩa. Ảnh: C.L

Làng mộc ở xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) có từ rất lâu đời. Những người thợ mộc “lão làng” ở đây cũng chẳng thể nhớ nghề mộc có từ khi nào và trại mộc đầu tiên được đặt ở đâu, chỉ có người làm nghề là ngày một tăng thêm.

Từ tờ mờ sáng là những âm thanh của tiếng máy cưa xẻ gỗ hòa cùng những tiếng khoan, bào, đục đã vang lên khắp xóm. Dừng tay bào, uống vội ly nước để giải tỏa cơn khát, anh Trần Văn Lấy (xã Ninh Hòa)  tâm sự: “Nghề mộc thấy vậy nhưng mà cực lắm! Phải làm quần quật suốt ngày trong môi trường rất nhiều bụi gỗ, tiếng ồn. Không ít người mắc căn bệnh về phổi phải bỏ nghề. Đó là còn chưa kể đến việc cưa xẻ gỗ rất nguy hiểm, chỉ sơ ý một chút là mất cả bàn tay như chơi. Bởi vậy, bây giờ phần nhiều thợ mộc ở xóm này chỉ nhận gia công đồ dùng trong gia đình cho khách, không làm nhiều như trước nữa”. Trước đây, xóm làm mộc ở Ninh Hòa chỉ toàn thợ nam, nhưng hiện nay, để tăng năng suất lao động cũng như kịp bàn giao hàng cho khách, nhiều chị em phụ nữ cũng phụ giúp ở các công đoạn nhẹ như: đánh bóng, quét sơn, đóng sạp...

Ngoài việc phải đối mặt với “bệnh hậu” do đặc thù của nghề mộc, những người thợ ở các làng nghề giờ đây còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các cơ sở chế biến gỗ hiện đại. Các cơ sở này được trang bị máy móc tối tân, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã và màu sắc da dạng, ngày càng thu hút sự yêu thích của khách hàng. Nếu không chịu học hỏi, nâng cao tay nghề, người thợ mộc thủ công sẽ không còn “đất” để sống.

Anh Hoàng Nghĩa (phường 7, TP. Bạc Liêu) chủ cơ sở gia công đồ gỗ, chia sẻ: “Trước đây, khách hàng tìm đến mình vì khi ấy trên thị trường bán rất ít các mặt hàng đồ gỗ. Do không tìm được mẫu mã ưng ý nên họ đến nhờ mình gia công. Giờ thì cửa hàng đồ gỗ nhiều vô số, mẫu mã đa dạng lại rất đẹp mắt, giá cả cũng rất cạnh tranh. Vì vậy, để trụ được với nghề, tôi phải học cách đóng các mẫu tủ, bàn ghế mới… mua thêm một số máy móc, thiết bị để làm, “giữ chân” khách hàng”.

Những vật dụng làm bằng gỗ dễ dàng được tìm thấy ở bất kỳ một gia đình nào. Thế nhưng, đằng sau những sản phẩm ấy có mấy ai hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của người thợ mộc. Từ đôi bàn tay chai sần, thô ráp, những người thợ mộc cho ra đời nhiều sản phẩm chất chứa tâm huyết và sự tận tụy với nghề.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.