Đời sống - Xã hội
Những diêm dân quyết tâm làm giàu từ “cánh đồng trắng”
Nghề làm muối ở Bạc Liêu được bảo tồn và phát triển cho đến hôm nay nhờ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố giữ vai trò quan trọng nhất chính là sự yêu nghề của diêm dân. Bằng kinh nghiệm cùng sự nhanh nhạy nắm bắt xu thế của thị trường, nơi đồng nước mặn Bạc Liêu đã có không ít diêm dân làm giàu nhờ hạt muối.
Diêm dân huyện Hòa Bình thu hoạch muối trải bạt.
Đời muối - đời người
Gắn bó với nghề làm muối hơn 50 năm, ông Phan Văn Phúc (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) được biết đến là một diêm dân làm giàu từ nghề muối. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề muối, ông Phúc đã sớm nếm trải vị mặn của muối và cả những nỗi vất vả của nghề. Sau thời gian lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, xuất ngũ trở về quê hương, ông tiếp tục theo đuổi nghề làm muối của gia đình.
Nghề làm muối không chỉ vất vả, nhọc nhằn mà còn lắm bấp bênh. Khi gặp thời tiết thuận lợi, nắng tốt thì muối trắng đầy đồng, nhưng khi thu hoạch xong thì giá cả lại xuống thấp. Chuyện “được mùa mất giá” cứ như cái lòng luẩn quẩn khiến nhiều diêm dân nản lòng từ bỏ đồng muối, chuyển đổi nghề. Mặc dù vậy, ông Phúc vẫn một lòng thủy chung với đồng muối với quan điểm “người yêu muối, muối nuôi người”. Nhờ sự nhanh nhạy, thay đổi tư duy, biết nắm bắt thị trường nên nghề muối đã mang lại nguồn thu lớn cho gia đình ông Phúc.
Từ vài công đất ban đầu được cha mẹ cho làm của hồi môn lúc mới lập gia đình, đến năm 2000, ông Phúc đã sở hữu trên 40ha đất - được xem là một trong số ít người có diện tích sản xuất muối có quy mô lớn nhất ở vùng đất này, mỗi năm thu hoạch trên 75.000 giạ muối. Giờ đây tuổi đã cao, ông Phúc chia nhỏ diện tích làm muối ra cho các con quản lý với mong muốn các con sẽ nối nghiệp nghề truyền thống của gia đình. Ông Phúc chia sẻ: “Tôi lớn lên và gắn bó với hạt muối từ những ngày còn nhỏ. Hình ảnh cha, chú lam lũ trên đồng muối những ngày nắng cháy da, rát thịt đã in sâu vào ký ức của tôi. Tôi gắn bó và gìn giữ nghề muối không chỉ vì nó là nghề truyền thống của gia đình mà còn muốn lưu giữ những ký ức đó. Muối không phụ lòng người, cuộc sống, cơ nghiệp của tôi có được như hôm nay có thể tất cả đều nhờ hạt muối mang lại”.
Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng với lợi thế là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm muối nên anh Phan Chí Tâm (ngụ cùng ấp Vĩnh Tiến) đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Không chỉ chú trọng đến khâu canh tác sao cho có được sản lượng và hạt muối có chất lượng cao nhất, anh Tâm còn nhận ra rằng “muốn làm giàu từ muối phải hiểu được thị trường muối”. Với những nhận định của mình về thị trường muối cộng với sự hậu thuẫn từ gia đình, anh Tâm quyết tâm xây dựng 2 tum trữ muối. Có được kho trữ đúng cách, lượng muối ít bị hao hụt mà muối trữ qua năm độ mặn dịu lại, ăn sẽ ngon hơn, khi nào có giá cao anh sẽ bán ra. Với sự thành công của bản thân, anh Tâm đã kêu gọi những hộ canh tác muối lân cận thành lập nên Hợp tác xã (HTX) muối Tâm Bình với tổng diện tích canh tác là 68ha. Do sản lượng muối không đủ cung cấp những đơn hàng có số lượng lớn nên hay bị ép giá, sau khi HTX được thành lập, anh Tâm đã liên kết tìm kiếm đơn hàng lớn với giá thành bao tiêu ổn định. Hiện tại, mỗi hộ trong HTX canh tác từ 6 - 7ha muối, sản lượng bình quân khoảng 300 tấn/năm, nếu được giá thì thu nhập của mỗi hộ khoảng 400 triệu đồng. Anh Tâm chia sẻ: “Đời muối - đời người, muối nuôi tôi khôn lớn và muối gắn bó với gia đình tôi, giờ tôi lại làm muối và quyết tâm làm giàu từ muối. Hy vọng rằng giá trị hạt muối sẽ ngày một được nâng cao để diêm dân quê mình có thể “sống khỏe” được với nghề truyền thống và thực hiện hóa ước mơ - làm giàu trên “cánh đồng trắng”.
Cánh đồng muối Đông Hải chờ ngày thu hoạch. Ảnh: C.L
Liên kết, tạo thế mạnh nâng tầm hạt muối
Không chỉ ở làng muối Vĩnh Thịnh mà câu chuyện bám muối với quyết tâm làm giàu từ muối cũng là niềm trăn trở của nhiều diêm dân ở huyện Đông Hải. Ông Hồ Minh Chiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ sản xuất muối công nghệ cao Đông Hải cho biết, HTX hiện có 19 thành viên, sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác hộ gia đình. Từ khi tham gia HTX, đời sống xã viên cơ bản ổn định. Những diêm dân nào có điều kiện thì trữ muối chờ thời điểm thích hợp mới bán ra, theo đó thu nhập sẽ khấm khá hơn.
Cũng theo ông Chiến, so với việc sản xuất muối truyền thống thì ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất muối công nghệ cao sẽ có sự khác biệt như năng suất, trình độ kỹ thuật, điều kiện vốn kinh tế hộ... đầu tư sản xuất và thu về kết quả khác nhau. Sản xuất muối theo cách truyền thống thua thiệt hơn so với mô hình sản xuất muối trải bạt. Giờ đây, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến nên việc làm muối nhàn hơn so với trước đây, sản lượng đạt cũng cao hơn.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư sản xuất muối công nghệ cao bằng hình thức trải bạt khá cao nên rất cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ giúp bà con tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất để phát triển nghề làm muối theo hướng bền vững. “Mỗi héc-ta muối trải bạt hiện nay phải đầu tư khoảng 65 - 70 triệu đồng mới đủ điều kiện phục vụ sản xuất và việc thu hồi vốn phải từ 2 - 3 năm. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã tiết kiệm được sức người, ít thuê mướn lao động, chi phí sản xuất giảm rất nhiều. Nếu không đưa cơ giới hóa vào sản xuất thì với 10ha đất muối phải cần đến 4 - 5 lao động, chi phí thuê khoảng 35 triệu đồng/người/vụ. Giờ đầu tư máy móc, thiết bị nên chủ ruộng chỉ cần thuê một nhân công biết sử dụng máy móc là được, tiết kiệm rất nhiều nên tăng mức lợi nhuận”, ông Chiến phân tích.
Sự thành công của những diêm dân trên cánh đồng muối dù ở thế hệ nào cũng cùng chung một điểm là “yêu nghề làm muối, nặng tình với hạt muối quê hương”. Những diêm dân ấy luôn khát khao tìm cách để nâng cao giá trị hạt muối xứng tầm với công sức mà người diêm dân đã đổ xuống những cánh đồng nước mặn để kết tinh nên những hạt muối trắng ngần.
Chí Linh
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Bộ KH-ĐT và UNICEF: Hội thảo tham vấn báo cáo đánh giá kế hoạch phát triển KT-XH và môi trường thân thiện với trẻ em tại Bạc Liêu
- Xét xử 11 đối tượng vi phạm về chống khai thác IUU
- Huyện Phước Long: Triển khai quy cách xây dựng nhà tạm, nhà dột nát đợt 2/2025
- Gần 800 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên 2 huyện Đông Hải và Phước Long hiến máu tình nguyện