Những đôi vai nặng gánh mưu sinh

Thứ Tư, 15/11/2023 | 16:10

Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, làn da đen cháy nắng, gương mặt hằn những nét khắc khổ… là hình ảnh thường thấy ở những người làm nghề khuân vác - một nghề mà người lao động phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có cả mồ hôi và nước mắt vì nặng gánh mưu sinh.

Đội bốc vác của anh Hậu vận chuyển lúa xuống ghe. Ảnh: C.L

Nghề nặng nhọc

Khi thấy chiếc ghe chở lúa vừa thấp thoáng trên sông, nhóm “cửu vạn” chờ sẵn từ sớm vội đứng dậy, có người tranh thủ uống ngụm nước, người thì khởi động chân tay, chuẩn bị dụng cụ… để bắt tay vào việc. Đây là ghe lúa thứ 2 mà đội bốc vác của anh Nguyễn Trung Hậu phải vận chuyển trong hôm nay.

Chủ ghe vừa quăng tấm gỗ dài làm cầu nối lên bờ thì nhanh như cắt đã có người đến kê đầu, cố định để tấm ván không dịch chuyển khi mọi người vác nặng đi qua. Anh Trần Văn Nhỏ - người nhỏ tuổi nhất trong đội bốc vác của anh Hậu, cho biết: “Làm việc nặng thì mình càng phải cẩn thận, chứ nếu lỡ để xảy ra tai nạn thì vừa mất tiền thang thuốc, vừa mất việc, mất thu nhập, bởi đa phần anh em làm nghề này đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn”.

Để việc bốc vác lúa được nhịp nhàng, các thành viên trong đội chia thành 3 nhóm nhỏ: nhóm 1 đứng cạnh đống lúa vừa được xe vận chuyển từ ruộng vào để “giựt” lúa đặt lên vai bạn vác; nhóm 2 vác lúa từ bờ xuống ghe; nhóm 3 đứng dưới ghe để mở miệng bao xả lúa, chan lúa cho bằng đều. Cứ thế luân phiên nhau giữa các thành viên cho đến khi hoàn thành công việc.

Cho anh em tạm nghỉ giây lát để lấy lại sức, anh Nguyễn Trung Hậu chia sẻ: “Nghề này không dành cho người yếu, phải có sức khỏe tốt, dẻo dai, bền bỉ, chịu khó. Vào vụ đông ken, có hôm mỗi anh em trong nhóm phải vác liên tục hơn 1 tấn lúa. Đa phần anh em chọn theo nghề này đều có hoàn cảnh khó khăn, nhà ít đất canh tác, không có công việc ổn định. Vụ nào thì việc đó, hết vụ vác lúa thì chia ra làm bờ, sạ lúa, sên đất mướn… Tới vụ anh em tựu lại đi làm chung để hỗ trợ nhau”.

Không chỉ làm việc tại địa phương, nhiều đội bốc vác còn lênh đênh theo những con tàu chở lúa dọc các dòng sông ra tận nhà máy xay xát lúa giao nhận hàng hóa cho các chủ tàu khi cần.

Thu nhập bấp bênh

Công việc nặng nhọc là vậy nhưng thu nhập của người làm nghề bốc vác không cao. Nếu làm cật lực mỗi ngày cũng chỉ bỏ túi được vài trăm ngàn đồng, nhưng với nhiều người, đây vẫn là nguồn thu nhập chính, hay chí ít cũng để kiếm thêm trong thời điểm nông nhàn. Những năm gần đây, nhờ các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp mà nghề bốc vác có phần nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn chủ yếu dựa vào sức người là chính. Chị Nguyễn Thị Hòa - chủ một ghe thu mua lúa đến từ tỉnh An Giang, chia sẻ: “Mấy anh em trong đội bốc vác của anh Hậu đã hợp tác với ghe chở lúa của nhà tôi từ hơn 5 năm nay. Mỗi khi trên quê tôi kết thúc vụ mùa là tôi lại xuống Bạc Liêu thu mua lúa. Trước khi xuống, tôi sẽ liên lạc với anh Hậu. Nghề nào cũng cực, cũng vất vả nhưng tôi thấy nghề bốc vác không chỉ cực mà còn quá nặng nhọc”.

Có một điểm chung là hầu hết “cửu vạn” đều đã ở tuổi trung niên, khó học nghề mới, không xin được việc tại các khu, cụm công nghiệp. Họ chủ yếu là những người nghèo, sống ở các vùng nông thôn, không có nghề nghiệp ổn định, không có vốn làm ăn nên tìm đến nghề này. Qua câu chuyện với những người làm nghề, chúng tôi thấy mặt hàng nào cũng nặng nhọc nhưng theo họ, cực nhất là bốc vác lúa và muối bởi vừa nặng lại vừa mặn. Có người ngày vác cả tấn lúa không hề hớn gì nhưng chỉ vác vài giạ muối là không chịu nổi.

Làm việc vất vả, nặng nhọc nên nhiều người sớm bị viêm đường hô hấp, đau nhức xương khớp, thoái hóa cột sống, lao lực, suy kiệt mà ít có điều kiện đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Vất vả là thế nhưng do công việc thời vụ, mối quan hệ giữa lao động và chủ hàng chỉ là thỏa thuận miệng, không có giao kết hợp đồng nên khi gặp rủi ro, người lao động phải tự gánh chịu.

Đã có hàng trăm, hàng ngàn tấn hàng được cõng trên vai, biết bao giọt mồ hôi lăn trên gò má những người làm nghề bốc vác, nhưng vì cuộc sống, vì cuộc mưu sinh mà họ vẫn gồng mình vượt qua. Họ làm công việc nặng nhọc bất kể ngày đêm chỉ với một mong muốn giản dị mà chính đáng, đó là bản thân và con em mình sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.