Đời sống - Xã hội
Những người không khuất phục số phận
Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng mong có được một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh. Tuy nhiên, với những người khuyết tật (NKT), số phận không mỉm cười với họ. Dù khiếm khuyết cơ thể, phải đối diện với muôn vàn khó khăn trong sinh hoạt cũng như cuộc sống, nhưng không vì vậy mà họ buông xuôi. Từ chỗ bi quan và bế tắc, có nhiều NKT đã không nản lòng trước số phận, khẳng định được vị thế bản thân, chăm chỉ học tập, học nghề, cùng gia đình lao động sản xuất, tự nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Thùy Như đến thăm, động viên và tặng quà chị Thạch Thị Lan Phương. Ảnh: H.T
VƯỢT LÊN NGHỊCH CẢNH
Sinh ra với cơ thân lành lặn, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, thế nhưng vào năm 5 tuổi, sau một trận sốt li bì đã làm đảo lộn cuộc đời của chị Thạch Thị Lan Phương (hiện 40 tuổi, ngụ Phường 8, TP. Bạc Liêu). Đến năm học lớp 7, đôi chân không còn đi lại được, chị đành phải nghỉ học vì mặc cảm, suốt ngày quanh quẩn nơi góc nhà.
Từ đó, chị làm bạn với chiếc radio, từ những chương trình vọng cổ được nghe mỗi ngày đã giúp chị vơi bớt nỗi buồn. Yêu thích văn nghệ từ bé, cộng thêm nội tâm phong phú, chị tập tành sáng tác vọng cổ. Ngày hoàn thành bản vọng cổ đầu tiên, chị mừng rơi nước mắt và ngân nga hát nhiều lần, đến khi bài hát hoàn chỉnh thì chị nhờ người quen gửi đến Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH). Không lâu sau, VOH và tiếp theo là Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu cùng một số đài khác liên tục phát sóng bản vọng cổ do chị sáng tác. Chị cảm thấy rất vui và xem đó là động lực thúc đẩy chị sáng tác nhiều hơn, gắn bó hơn với những câu ca vọng cổ. Chủ đề cũng không còn gói gọn về tình yêu quê hương, đất nước, lứa đôi mà đa dạng, phong phú hơn, từ đó được nhiều nhà đài, các tạp chí văn nghệ trong và ngoài tỉnh cũng như đông đảo bạn nghe, xem đài ủng hộ.
Ngoài sáng vọng cổ, với đôi tay còn lành lặn, chị luôn cố gắng phụ giúp gia đình bán quán nước. Đến khi lập gia đình rồi sinh con, chị không thể di chuyển được, đôi tay yếu dần, thế nhưng chị vẫn cố gắng mua bán, sáng tác kiếm thu nhập, phụ lo kinh tế gia đình. Chi Lan Phương bày tỏ: “Còn sức khỏe là tôi còn cố gắng lao động để lo cho gia đình, không vì khiếm khuyết của bản thân mà mặc cảm, trở thành gánh nặng cho người thân và xã hội”.
Dù một chân bị liệt, đi đứng khó khăn, nhưng ngay từ nhỏ, anh Trương Tấn Hạnh (hiện 43 tuổi, ngụ ấp Tân Long, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) đã rèn cho mình một ý chí không khuất phục số phận. Với cây nạng gỗ thay cái chân khiếm khuyết, anh sống lạc quan, hòa mình cùng bạn bè đồng trang lứa. Lớn lên, anh theo học nghề sửa chữa điện tử, sau đó mở cửa hàng sửa chữa điện tử tại nhà. Năm 2008, anh lập gia đình. Nhằm có thêm thu nhập, anh còn chịu khó di chuyển xa hơn để sửa chữa điện tử tại nhà dân.
Anh Trương Tấn Hạnh hành nghề sửa chữa điện tử. Ảnh: T.Q
Vượt khó, siêng năng cộng thêm có tay nghề đã giúp anh có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho vợ và hai con. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh còn phụ vợ bán cà phê, chăn nuôi heo và đưa đón con đi học.
Mặc dù cơ thể khiếm khuyết, nhưng bằng ý chí và sự lạc quan của mình, anh Tấn Hạnh đã vượt lên số phận, sống có ích và tạo dựng kinh tế gia đình ngày càng vững chãi.
TOÀN XÃ HỘI CHĂM LO NKT
Toàn tỉnh hiện có gần 14.000 NKT, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, chỉ có trên 30% NKT có hoạt động tạo thu nhập, số còn lại chủ yếu sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp của Nhà nước. Để tạo điều kiện cho NKT hòa nhập vào đời sống xã hội và cộng đồng dân cư nơi sinh sống, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách trợ giúp, tạo điều kiện để NKT được tiếp cận với các dịch vụ y tế; trợ cấp các trang thiết bị, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho NKT; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ chi phí cho NKT khi tham gia giao thông, giáo dục - đào tạo, các dịch vụ văn hóa, thể dục - thể thao; hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế… Các chính sách, hoạt động trợ giúp NKT cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho NKT vươn lên tự chăm sóc bản thân cũng như có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Không chỉ trợ giúp NKT từ ngân sách nhà nước, tỉnh còn thực hiện xã hội hóa việc hỗ trợ NKT qua việc vận động các mạnh thường quân, tổ chức từ thiện, cơ quan, đơn vị, cá nhân để chăm lo cho đối tượng NKT nghèo như: hỗ trợ khám chữa bệnh; tài trợ phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim, hở hàm ếch, phẫu thuật vận động phục hồi chức năng; tặng quà, xe lăn, xe lắc…
Trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát, thực hiện công tác chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội, đặt biệt là NKT, tỉnh đã hỗ trợ mỗi trường hợp 400.000 đồng và 15kg gạo. Các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và các nhà hảo tâm còn thường xuyên tặng quà, tiền mặt… giúp NKT vơi bớt một phần khó khăn trong những ngày chống dịch. Đặc biệt, nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Sở LĐ-TB&XH và các địa phương vẫn tranh thủ tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho NKT tiêu biểu.
Trải qua nhiều nỗi đau của cuộc đời, hơn ai hết, những NKT hiểu rõ giá trị của sự nỗ lực trong cuộc sống. Dù cuộc sống có nghiệt ngã đến đâu, chỉ cần có niềm tin, có nghị lực và điểm tựa, họ sẽ thấy xã hội vẫn còn muôn vàn điều tốt đẹp. Từ sự quan tâm của tỉnh, các cấp chính quyền và hỗ trợ của cộng đồng đã giúp cuộc sống và nhu cầu phát triển của nhiều NKT được cải thiện, giúp họ vơi bớt mặc cảm, vượt qua khó khăn để vươn lên trở thành những tấm gương sống đầy nghị lực, sống có ích và giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
MINH LUÂN
- Tổng duyệt chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam
- TP. Bạc Liêu: Mở cao điểm chỉnh trang đô thị từ ngày 27 đến nghỉ lễ 30/4
- Khai giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ Hội Cựu chiến binh cơ sở
- Rà soát, điều chỉnh đơn vị hành chính sau sắp xếp có di tích quốc gia đặc biệt
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Hồng Dân