Những nông dân Khmer nỗ lực thoát nghèo

Thứ Tư, 19/05/2021 | 16:51

Thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề… của Đảng, Nhà nước, chính quyền, nhiều hộ dân tộc Khmer đã tự nỗ lực vươn lên làm giàu. Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều điểm sáng, nhiều gương điển hình đồng bào Khmer trong làm ăn kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa.

Ông Diệp Văn Cọp thăm ruộng lúa.

Một trong những nông dân Khmer sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp tỉnh phải kể đến là ông Diệp Văn Cọp (ấp Bà Ai 1, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân). Gia đình không có đất canh tác, trong khi đất dọc theo tuyến kênh xáng thì lau sậy mọc um tùm, nên vợ chồng ông Cọp đã hỏi mượn chủ đất phần đất bỏ hoang để trồng hoa màu, thời gian rảnh thì đi làm thuê. Sau một thời gian, khi đã tích cóp được ít vốn, vợ chồng ông Cọp mua đất, xây chuồng để phát triển chăn nuôi, thuê thêm đất để trồng lúa; đồng thời tham gia các lớp khuyến nông để trang bị thêm kiến thức và áp dụng mô hình tôm - lúa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. “Tôi luôn suy nghĩ muốn thoát nghèo vươn lên thì phải nỗ lực, chí thú làm ăn chứ không thể ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Là nông dân thì mình phải biết tận dụng đất trống để trồng hoặc nuôi con gì cho phù hợp; không thể độc canh cây lúa mà phải kết hợp phát triển đa dạng các loại hình sản xuất trong nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó là phải biết cập nhật tin tức về giá cả, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cũng như hợp tác với các cửa hàng vật tư nông nghiệp trong việc mua vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm để giảm chi phí, tăng lợi nhuận”, ông Diệp Văn Cọp chia sẻ.

Hơn 4 năm qua, trung bình mỗi năm gia đình ông Cọp có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên. Khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông Cọp hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giúp 7 - 10 lao động ở địa phương có việc làm, tặng gạo cho người nghèo, hỗ trợ vốn và tặng con giống cho nhiều nông dân trong xã…

Ông Sơn Thương chăm sóc rẫy. Ảnh: C.L

Cũng xuất phát điểm với kinh tế gia đình rất khó khăn, song nhờ chăm chỉ, chịu khó lại biết tính toán, ông Sơn Thương (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) không những thoát nghèo mà còn trở thành một điển hình làm ăn kinh tế giỏi trong đồng bào Khmer. Năm 1999, kinh tế gia đình quá khó khăn, ông Thương phải đi làm phụ hồ để có tiền trang trải cuộc sống. Khi ấy, trong tỉnh rất hiếm thợ đắp tượng, đắp hoa văn lành nghề, mỗi khi cần thì các chùa, các nơi thờ tự phải thuê thợ từ các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, TP. Hồ Chí Minh… với chi phí rất cao. Nhận thấy đây là một nghề có thu nhập ổn định hơn nghề phụ hồ nên vừa làm, ông Thương vừa học lóm nghề đắp tượng, hoa văn. Vốn rất sáng dạ, chỉ vài tháng sau, từ thợ phụ, ông Thương chuyển sang làm thợ chính và mức lương cũng được tăng lên. Ngoài giờ làm việc trên công trình, thời gian rảnh ông còn phụ giúp gia đình tăng gia sản xuất. Ông Thương cho biết: “Không có gì vui hơn khi  đời sống kinh tế gia đình không còn cảnh thiếu trước, hụt sau. Mỗi khi nhớ lại cảnh khó khăn của gia đình trước đây, tôi lại có thêm động lực để làm việc và góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Nếu có quyết tâm, có kiến thức, chịu đổi mới cách suy nghĩ, cách làm để thích ứng với tình hình mới thì sẽ vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Ông Diệp Văn Cọp, ông Sơn Thương là những tấm gương nông dân tiêu biểu có ý chí, nghị lực với ước mơ làm giàu bằng đôi tay và khối óc của mình, xứng đáng để hội viên nông dân học tập và noi theo. Tin tưởng rằng, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, với sự nỗ lực của bản thân mỗi nông dân, sẽ ngày càng có nhiều nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Song Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.