Đời sống - Xã hội
Những tấm gương phụ nữ thoát nghèo tiêu biểu
Từng là hộ nghèo, cận nghèo có cuộc sống vô cùng khó khăn, song nhờ sự hỗ trợ, “chỉ đàng làm ăn” của chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể, hơn hết là sự cần cù, năng động trong lao động, sản xuất đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ vượt qua khó khăn, trở thành những tấm gương thoát nghèo tiêu biểu, ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương.
Mô hình nuôi lươn không bùn của bà Trần Tuyết Trinh.
Làm kinh tế giỏi
Chồng mất sớm, bà Trần Tuyết Trinh (ấp B2, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) ngày ngày nỗ lực làm việc để làm chỗ dựa vững chắc cho các con. Gia đình có 7 công đất, ngoài trồng lúa bà Trinh còn thử nghiệm nhiều mô hình mới để cải thiện kinh tế gia đình. Được Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Trinh vay 65 triệu đồng để đầu tư vào các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và cải tạo đất.
Chăn nuôi heo sinh sản là một trong những hướng đi hiệu quả mà bà Trinh thực hiện thành công. Trung bình mỗi năm, bà xuất chuồng hai lứa heo giống, cho nguồn thu 30 triệu đồng/năm. Ngoài phát triển mô hình nuôi heo sinh sản, sau khi tham khảo, nghiên cứu kỹ thuật nuôi lươn không bùn trên báo, đài, bà thả nuôi hơn 3.000 con lươn giống. Qua hơn 4 tháng nuôi thử nghiệm, lươn lớn nhanh, đạt trọng lượng như mong đợi. Không dừng lại ở các mô hình quen thuộc, bà Trinh còn trồng thí điểm cây thủy trúc - nguyên liệu dùng trong sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, bà còn tận dụng đất trống quanh nhà để trồng ổi, nuôi gà… với tâm niệm “chỉ cần đất còn thì không nên để hoang phí. Mỗi tấc đất đều có thể mang lại giá trị nếu chúng ta biết cách sử dụng hợp lý”.
Bà Trần Thị Lâu chăm sóc đàn gà.
Dù đã bước qua tuổi 66, bà Trần Thị Lâu (ngụ cùng ấp B2) vẫn bền bỉ nỗ lực để cải thiện đời sống gia đình. Quanh năm gắn bó với công việc đồng áng, bà Lâu đã vượt qua khó khăn nhờ vào sự kiên trì, hỗ trợ của chính quyền và Hội LHPN huyện. Gia đình bà Lâu chỉ có 2 công đất sản xuất, nguồn thu nhập từ việc canh tác nhỏ không đủ trang trải cho các chi phí sinh hoạt và nuôi con nên vợ chồng bà tranh thủ thời gian nông nhàn đi làm thuê làm mướn. Năm 2023, với sự kết nối từ Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi, bà được giới thiệu tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu cho một công ty mỹ nghệ tại Mỹ Quới. Với giá thu mua ổn định 18.000 đồng/kg lục bình khô, vợ chồng bà có thu nhập khoảng hơn 9 triệu đồng/tháng. Số tiền tuy không lớn nhưng ổn định hơn nhiều so với công việc làm thuê làm mướn bấp bênh, trong khi điều kiện sức khỏe không cho phép. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn tạo điều kiện cho bà tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ 50 con gà giống, phát triển thêm mô hình nuôi gà thả vườn. Ngoài ra, không để đất trống, bà còn tận dụng bờ kênh trước nhà để trồng đu đủ.
Bà Diệp Bé Năm bán hàng cho khách.
Vượt khó, chí thú làm ăn
Năng động tìm hướng đi, mạnh dạn đầu tư trong phát triển kinh tế gia đình, nên từ chỗ là hộ nghèo, cận nghèo đến nay gia đình bà Diệp Bé Năm (ấp Phan Mầu, xã Định Thành A, huyện Đông Hải), không những thoát nghèo bền vững mà có cuộc sống ngày càng khấm khá.
Luôn cầu tiến, năng động và cần cù chịu khó, bà Năm luôn tranh thủ tham gia các buổi hội họp của Hội LHPN xã và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những mô hình phát triển kinh tế của các hội viên phụ nữ khác. Năm 2012, từ nguồn vốn vay ưu đãi 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, bà đầu tư nuôi heo thương phẩm. Mặt khác, được xã Định Thành A hỗ trợ thêm máy rửa xe giúp gia đình bà có thêm thu nhập mỗi ngày và trả hết nợ vay. Sau đó, bà tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội xét cho vay 50 triệu đồng, cộng thêm tiền tích lũy, bà Năm mở rộng gian hàng bán tạp hóa tại nhà, đồng thời đầu tư mô hình nuôi sò huyết.
Qua nhiều năm phấn đấu và được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, Hội LHPN xã, những khó khăn dần dần được khắc phục, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng được nhà cửa khang trang. Đến nay, 4 người con của bà đều đã tốt nghiệp trung cấp, đại học, trong đó có 3 người có việc làm ổn định. Bà Năm cho biết: “Nhờ được chính quyền và Hội LHPN xã quan tâm tạo điều kiện học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất có hiệu quả, hỗ trợ vay vốn mở rộng chăn nuôi nên gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn. Tuy vậy, chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng lao động mà ngày càng nỗ lực hơn để phát triển việc chăn nuôi, kinh doanh…”.
“Dù bận rộn với việc mua bán và chăm sóc gia đình nhưng bà Năm vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động do UBND xã và Hội Phụ nữ phát động, tổ chức. Gia đình bà cũng là tấm gương điển hình tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao ở địa phương như: hiến đất làm lộ nông thôn, làm hàng rào cây xanh, ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương, hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo... Bà Năm chính là tấm gương phụ nữ vượt khó gương mẫu, tiêu biểu để các hội viên khác học tập, noi theo”, Chủ tịch Hội LHPN xã Định Thành A - Đoàn Thị Mol, nhận xét.
Trong hành trình chinh phục khó nghèo, mỗi người tự chọn cho mình một hướng đi khác nhau. Và những tấm gương trên là các ví dụ điển hình vượt qua khó khăn để thoát nghèo, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà mạnh dạn dám nghĩ, dám làm để đổi thay cuộc sống. Vươn lên từ trong gian khó chính là động lực để họ không ngừng nỗ lực phấn đấu giúp gia đình, con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn, qua đó góp sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.
Bài và ảnh: Mai Quyên