Đời sống - Xã hội
Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn
Nước sạch nông thôn là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đưa nước sạch đến với người dân, từng bước nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch tại khu vực nông thôn.
Người dân xã Châu Thới sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày từ trạm cấp nước của địa phương. Ảnh: C.L
Nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch
Trước đây, tình trạng thiếu nước sạch thường xuyên diễn ra ở xã vùng ven biển chạy dài từ TP. Bạc Liêu đến huyện Đông Hải, khiến đời sống của bà con nơi đây gặp không ít khó khăn. Để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, nhiều hộ dân đã phải tự làm giếng khoan hoặc tích trữ nước mưa… Nhưng kể từ khi Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) phối hợp với các địa phương đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình cung cấp nước sạch tập trung, đã có rất nhiều hộ được đấu nối, cung cấp nước sạch sử dụng trong sinh hoạt gia đình cũng như sản xuất. Bà Nguyễn Bé Ba (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi phải mua nước đóng bình để uống, còn nước từ cây nước bơm lên chỉ dùng để tắm, giặt, tưới hoa màu… Từ khi có hệ thống nước sạch tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều cho sức khỏe của cả gia đình”.
Hướng đến mục tiêu toàn dân có nước sạch sử dụng, những năm qua, Bạc Liêu đã huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương, các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn kết hợp với nguồn xã hội hóa để thực hiện các chính sách, đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung về tận khu dân cư, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân. Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng nước hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe; đồng thời, hỗ trợ hộ nghèo, gia đình còn khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch và nước hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Theo báo cáo tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của HĐND tỉnh với Sở NN&PTNT về sử dụng nguồn vốn đầu tư cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh thì đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 83.987 hộ được đấu nối, sử dụng nước sạch.
Đảm bảo chất lượng nguồn nước
Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp các trạm cấp nước sạch ở các cụm, tuyến dân cư ven biển, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh còn dành nguồn kinh phí xây dựng các trạm cấp nước sạch ở các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống.
Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều hộ dân, thời gian qua, chất lượng nguồn nước cấp từ các trạm nhiều lúc, nhiều nơi không đảm bảo, có lẫn tạp chất. Lý giải cho vấn đề này, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh mới đây, theo ông Trương Quốc Quang - Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh: “Nguồn nước có lúc, có nơi bị ô nhiễm là do một số địa phương trong quá trình triển khai xây dựng các công trình, dự án làm vỡ hoặc hệ thống ống cấp nước bị hư. Một số hệ thống trạm bơm hư hỏng trong quá trình duy tu, sửa chữa cũng dẫn đến tình trạng này. Thời gian tới, Trung tâm sẽ chỉ đạo, phối hợp với các bên có liên quan giám sát kỹ hơn về vấn đề người dân phản ánh để đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch, an toàn cho bà con sử dụng”.
Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT thì phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung được đầu tư từ lâu, chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm và nước tự chảy quy mô nhỏ, công nghệ lọc cũ, lạc hậu, đã xuống cấp. Bên cạnh đó, việc đầu tư manh mún, không đồng bộ khiến cho nhiều công trình hoạt động không hiệu quả, thiếu bền vững. Không ít công trình còn hư hỏng do bị thiên tai, mưa lũ do thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa nên đã ngừng hoạt động... Toàn tỉnh hiện có 115 hệ thống cấp nước sạch, cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.
Chí Linh
“Để tiếp tục mở rộng mạng lưới nước đảm bảo vệ sinh cho người dân, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các đơn vị quản lý vận hành kiểm tra hiện trạng các công trình cấp nước. Đặc biệt là rà soát, đánh giá, phân loại công trình, lấy đây làm cơ sở xây dựng phương án giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn để báo cáo với UBND tỉnh. Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung lập kế hoạch cấp nước an toàn chống thất thoát, thất thu nước sạch. Đồng thời yêu cầu các địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn để kịp thời có phương án nâng cấp, sửa chữa phù hợp”, ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết.
- LĐLĐ tỉnh: Hỗ trợ hơn 3.300 đoàn viên khó khăn trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Hội LHPN tỉnh: Trao vốn cho hội viên và thăm mô hình kinh tế tại huyện Đông Hải
- Huyện Đông Hải: Thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
- Không còn hộ cựu thanh niên xung phong nghèo theo tiêu chí cũ
- Phúc khảo vở Dù kê “Lời nguyền Chằn KhayNây”