Nỗi lo lương chưa tăng, giá cả đã tăng

Thứ Sáu, 14/06/2024 | 16:30

Từ ngày 1/7, chính sách cải cách tiền lương dự kiến có hiệu lực. Cùng với việc bỏ mức lương cơ sở công chức, viên chức sẽ được hưởng nhiều chính sách như: tăng lương 30%, nhận lương theo vị trí việc làm. Đi kèm với niềm vui tăng lương, thêm thu nhập là nỗi lo lắng của nhiều người lao động, người làm công ăn lương bởi điệp khúc “lương chưa tăng giá đã vội tăng”.

Người dân mua thực phẩm cho cuộc sống hằng ngày. Ảnh: T.Q

Mong tăng lương đừng tăng giá

Đợt cải cách tiền lương vào tháng 7 tới đây được rất nhiều công chức, viên chức, người lao động trông chờ, bởi mức lương hiện nay chỉ đáp ứng các điều kiện sống cơ bản. Việc cải cách tiền lương với mức tăng khoảng hơn 30% cho công chức, viên chức trở thành một trong những niềm vui với rất nhiều người làm công ăn lương. Tuy nhiên, niềm vui đó sẽ trọn vẹn nếu không có nỗi lo thường trực, đó là giá cả tăng theo lương. Nếu giá cả thị trường tăng quá cao thì đối tượng công chức, viên chức và người nghỉ hưu, đối tượng chính sách xã hội, người có công, nhất là lao động nghèo lại gặp khó khăn vì tăng lương không theo kịp giá cả thị trường.

Chồng làm công chức Nhà nước, vợ làm giáo viên tiểu học, mỗi tháng thu nhập của vợ chồng chị Kim Loan (Phường 5, TP. Bạc Liêu) chưa đến 20 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí ăn uống, tiền điện, nước, tiền học hành cho 2 đứa con rồi tiền đám tiệc đã “ngốn” gần hết tiền lương mỗi tháng. “Tôi rất trông mong việc tăng lương vào đầu tháng 7 tới, tăng được đồng nào hay đồng nấy vì với mức lương hiện tại, gia đình tôi sống khá chật vật. Gần 3 tháng nay, từ các mặt hàng như thịt, cá, lọn rau đến tô cháo, tô bún, ly cà phê cứ “âm thầm” đua nhau tăng giá khiến chi phí sinh hoạt đội lên. Nếu diễn biến giá chạy theo lương như vậy, thì những người có thu nhập thấp như vợ chồng tôi sẽ thêm phần vất vả, thu không đủ chi. Tôi mong muốn, Nhà nước tăng lương phải đi cùng với các biện pháp điều tiết, kiểm soát giá, không để giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao thì việc tăng lương mới có ý nghĩa”.

Nếu người tiêu dùng lo lắng về giá tiêu dùng tăng cao, tìm mọi cách “thắt lưng buộc bụng” thì các tiểu thương cũng than thở việc kinh doanh ế ẩm, giảm lợi nhuận bởi người dân ít mua sắm hơn. Tính toán điều chỉnh việc nhập hàng phục vụ khách hàng, bà Hồng Phượng - tiểu thương chợ Cầu Xáng, chia sẻ: “Tuy người đi chợ không giảm nhiều, song hàng bán ra lại khá chậm. Mỗi ngày tôi nhập hàng với số lượng đủ bán, không nhập dư như những năm trước vì sợ phải ôm hàng, lỗ vốn”.

Để niềm vui tăng lương được trọn vẹn

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Đối với tỉnh Bạc Liêu, theo số liệu của Cục thống kê tỉnh, bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 6,65% so với cùng kỳ. Trong mức tăng 0,35% của CPI tháng 5 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Có thể thấy, CPI tăng và tập trung ở các nhóm thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Nhằm kiềm tình trạng tăng giá, những tháng qua, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ổn định thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Mới đây, vào ngày 12/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp về quản lý, điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024.

Phó Thủ tướng lưu ý, còn hơn 6 tháng là kết thúc năm 2024, áp lực lạm phát vẫn thường trực, đặc biệt là việc đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải biển làm chi phí vận tải tăng lên, một số mặt hàng dịch vụ theo yêu cầu cơ cấu giá thành đòi hỏi phải tăng giá… Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới và trong nước để đề ra những giải pháp và kịch bản phù hợp, kịp thời, tinh thần phải kiểm soát được trong mức giới hạn Quốc hội cho phép là 4,5%.

Đặc biệt trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng là rất lớn khi tăng lương vào thời điểm 1/7 tới, Phó Thủ tướng đề nghị làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, các yếu tố hình thành giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống... Không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, thành thói quen, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. 

Có thể thấy, để việc tăng lương thật sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say làm việc thì ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương thì các cơ quan chức năng trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát chặt về giá, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó mới tránh tình trạng “té nước theo mưa”, lương chưa tăng thì giá đã tăng.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.