Đời sống - Xã hội
Nỗi lo thức ăn đường phố vào mùa nắng nóng
Giá thành rẻ, bắt mắt và sự tiện lợi đã khiến thức ăn đường phố ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều người dân, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, đằng sau những món ăn đó là nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), vì nếu không kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu cũng như các quá trình sơ chế, chế biến không đảm bảo..., sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thực khách.
Một số điểm bán thức ăn đường phố không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: T.Q
Tiện nhưng chưa chắc lợi!?
Trong tiết trời nóng bức, việc gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, nấu xong không ăn ngay... dễ dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm do phát sinh vi khuẩn gây hại. Không ít trường hợp sau khi sử dụng bị rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy, mất nước cơ thể, ngộ độc thực phẩm nhẹ.
Không khó để tìm mua các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn từ gánh hàng rong hay hàng quán vỉa hè, như: bánh mì, cơm, bún, cháo, xôi, các loại xiên que, thức ăn nhanh… Khách hàng của những hàng quán này rất đa dạng, từ bà nội trợ, người đi làm, học sinh - sinh viên đến cả bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế gần đó.
Đa phần người bán thức ăn đường phố đều chưa qua tập huấn ATVSTP. Một số nơi vẫn còn tình trạng thực phẩm chín được bày bán sát cạnh thực phẩm sống, không chỉ gây mất vệ sinh mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo. Ở trên nhiều tuyến đường, vỉa hè, thức ăn không được che chắn bụi bẩn; người bán không đeo khẩu trang, găng tay, không dùng dụng cụ gắp mà chủ yếu dùng tay trần bốc thịt, bún, món ăn, rau sống; quy trình bảo quản thực phẩm không đúng cách… Trong khi đó, những tác động từ môi trường như khói xe, bụi, khói thuốc hoặc chất ô nhiễm khác cũng có thể bám vào thức ăn và gây độc cho người dùng. Ngoài ra, việc người chế biến, kinh doanh sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, lạm dụng hóa chất, phụ gia trong chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bảo quản thực phẩm không đúng nhiệt độ, không đúng cách… cũng là một số nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm.
Cẩn thận trong bảo quản, sử dụng thực phẩm mùa nắng nóng
Trong năm 2024, toàn quốc ghi nhận 135 vụ với gần 5.000 người ngộ độc thực phẩm, trong đó có 24 trường hợp tử vong. Riêng 3 tháng đầu năm 2025, hàng loạt vụ ngộ thực phẩm liên tiếp đã xảy ra trên toàn quốc khiến hàng trăm người phải nhập viện. Nhằm bảo vệ, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân, quý 1/2025, các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Y tế tỉnh đã tiến hành kiểm tra trên 1.200 cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh ăn uống, qua đó đã phát hiện, xử lý 26 cơ sở vi phạm, chưa đạt yêu cầu về ATVSTP.
Mặc dù chưa ghi nhận xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, nhưng ngành Y tế tỉnh luôn quan tâm, tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng thường xuyên tổ chức triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát ATVSTP đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Tuy nhiên, công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thức ăn đường phố còn nhiều khó khăn. Việc tổ chức kiểm tra bảo đảm ATVSTP đối với cơ sở, quán ăn vỉa hè chủ yếu lồng ghép vào các đợt kiểm tra liên ngành, chưa thành lập được nhiều đoàn kiểm tra chuyên ngành và đột xuất. Kinh doanh thức ăn vặt, vỉa hè hầu hết là nhỏ lẻ, thời vụ, không có giấy phép kinh doanh hoặc mang tính chất lưu động nên khó quản lý…
Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi ăn thức ăn bán ở vỉa hè, đường phố, ngành Y tế khuyến cáo, đối với người sản xuất, chế biến thức ăn phải bảo đảm khâu vệ sinh trong quá trình chế biến. Trường hợp thức ăn chế biến ra không bán ngay, cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh.
Đối với người tiêu dùng, trong quá trình ăn uống, chú ý lựa chọn những cơ sở uy tín, đã được chứng nhận ATVSTP. Hạn chế lựa chọn những điểm bán hàng rong, điểm bán ngoài đường phố vì đây là những nơi có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là trong thời tiết nắng nóng. Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; đặc biệt là thực hiện “ăn chín, uống sôi”… Đồng thời, thông báo cho cơ quan quản lý xử lý kịp thời các quán ăn không tuân thủ và không bảo đảm điều kiện ATVSTP, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Minh Luân
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) vừa triển khai “Tháng hành động Vì ATTP” năm 2025 với chủ đề: “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Thời gian thực hiện từ ngày 15/4 - 15/5/2025.
Để triển khai có hiệu quả Tháng hành động, Ban Chỉ đạo đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động tại địa phương. Chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể quần chúng, các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức chiến dịch truyền thông về ATTP, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP.
Đồng thời, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các văn bản pháp luật về ATTP ở tất cả các cấp, từ tỉnh, huyện đến xã, phường tại địa phương. Phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật…
- Kêu gọi cứu trợ nạn nhân động đất tại Myanmar và Thái Lan
- Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua đề án Hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh- Truyền hình Bạc Liêu, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Phục vụ 18 chuyến xe thư viện lưu động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc
- Huyện Phước Long: Tổ chức Giải đua ghe Ngo mini mừng tết Chôl-chnăm-thmây