Đời sống - Xã hội
Nỗi lo thực phẩm không an toàn
Thời gian gần đây, thông tin liên tiếp về các vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng bị cơ quan chức năng phát hiện khiến người dân hoang mang, lo lắng. Đặc biệt, tết Nguyên đán 2025 đang đến gần, đây cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân ngày càng tăng cao, vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại càng nóng, trở thành sự quan tâm, nỗi lo lớn đối với toàn xã hội.
Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra một cơ sở làm giá ở địa bàn Phường 1 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.Q
Vừa ăn, vừa lo
“Mới đây, khi mua thịt heo ngoài chợ về, nhìn bên ngoài thịt vẫn tươi ngon, nhưng khi xắt nhỏ để chế biến thì bên trong thịt bị xỉn màu, có mùi hôi. Chỉ nhìn vào mắt thường đã thấy không đảm bảo an toàn, sợ bị ngộ độc thực phẩm nên tôi vứt bỏ, dù rất xót tiền”, chị C.T (Phường 1, TP. Bạc Liêu) cho biết.
Thực phẩm không an toàn luôn rình rập, len lỏi vào các chợ, trên các xe bán thực phẩm lưu động, trong khi đó, hằng ngày nhiều người dân vẫn phải mua thực phẩm ở những nơi này. Mặt khác, một bộ phận người dân đời sống kinh tế còn khó khăn nên vẫn chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ, mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe có thể xảy ra.
Lâu nay, nói đến thực phẩm không an toàn thì sẽ nghĩ ngay đó là thực phẩm được trà trộn tuồn vào các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ, các điểm bán lưu động… Thế nhưng, những năm gần đây, ngay cả hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng - là những kênh mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn cũng đã xuất hiện thực phẩm “ngậm hóa chất”, kém chất lượng. Đặc biệt mới đây, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện và thu giữ hơn 20,3 tấn giá đỗ ngâm chất cấm. Các đối tượng thường bán sỉ cho các đại lý ở chợ đầu mối và các huyện, thị xã, thành phố, trong đó có cả siêu thị để tiêu thụ. Vụ việc khiến người dân bàng hoàng, phẫn nộ bởi tính chất nghiêm trọng, coi thường sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Tuy tình hình vi phạm kinh doanh thực phẩm ở tỉnh Bạc Liêu không “nóng” như các địa phương khác, thế nhưng qua quá trình kiểm tra, kiểm soát, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về thực phẩm, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, nhập lậu.
Vào ngày 12/12/2024, trong quá trình phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn khóm 2 (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai), Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phát hiện ô tô tải đang vận chuyển hơn 750kg thực phẩm đông lạnh gồm thịt bò, thịt gà, thịt heo, bò viên… không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào địa bàn tỉnh.
Mới đây, trong quá trình kiểm tra, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 phát hiện một hộ kinh doanh ở huyện Hòa Bình đang bày bán các loại bột dùng để làm bánh được đựng trong các túi bóng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và không xác định được nguồn gốc, xuất xứ. Trước đó, qua công tác quản lý, giám sát trên nền tảng thương mại điện tử Facebook, đội QLTT số 4 kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh K.T.P, kinh doanh thực phẩm là nhàu ngâm đường (thực phẩm dùng để ăn trực tiếp) không có nhãn hàng hóa, không có địa chỉ nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa…
Cần tăng cường kiểm tra kinh doanh, chế biến thực phẩm
Để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng, trong năm qua, các cơ quan chức năng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các cơ sở, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm. Quá trình kiểm tra phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ sở kinh doanh và ý thức cảnh giác cho người dân trước các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Mặc dù các cơ quan chức năng nỗ lực vào cuộc, thế nhưng, công tác này vẫn còn một số hạn chế, do mức xử phạt còn nhẹ, chủ yếu là nhắc nhở, tuyên truyền nên không đủ sức răn đe; quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ đôi khi còn chồng chéo. Trong khi đó, lực lượng chuyên ngành còn ít, công tác kiểm tra chủ yếu ở các chợ đầu mối, cửa hàng, chợ dân sinh, hệ thống siêu thị trong khi mặt hàng này len lỏi bày bán ở khắp nơi, đặc biệt là bán lưu động, trên các trang mạng xã hội...
Cuộc chiến chống lại thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo ATTP chưa lúc nào hết khó khăn, trong khi thực phẩm không đảm bảo ATTP để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Những chất bảo quản độc hại, hóa chất nhuộm màu tích tụ trong cơ thể có thể gây ra các bệnh mãn tính như ung thư, tổn thương gan, thận. Ngoài ra, việc tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo an toàn cũng gây thiệt hại kinh tế lớn, không chỉ vì chi phí điều trị bệnh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chân chính.
An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề thời sự được người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt vào dịp tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Do đó, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực phẩm đang là việc làm cấp bách. Đây không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng mà hơn hết là ý thức của người bán, chủ cơ sở, doanh nghiệp và mỗi người dân. Hãy là người tiêu dùng thông minh, tích cực tìm hiểu các kiến thức về vệ sinh ATTP, lựa chọn những nơi mua hàng đảm bảo, có thương hiệu rõ ràng. Đặc biệt là cần báo ngay với cơ quan chức năng khi phát hiện hay mua phải thực phẩm không đảm bảo ATTP để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Minh Luân
- Tỉnh đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh -Trường đại học Bạc Liêu: Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên
- Bộ Công thương tổ chức Hội nghị đôn đốc các dự án điện theo Chỉ thị 01/CT-TTg
- TX. Giá Rai triển khai kế hoạch mừng Đảng - mừng Xuân năm 2025
- Sở Tài chính tổng kết công tác năm 2024
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đông Hải