Đời sống - Xã hội
Phát huy giá trị các làng nghề truyền thống
Toàn tỉnh hiện có 10 làng nghề được công nhận như: nghề đan đát, nghề mộc, nghề rèn, nghề dệt chiếu, nghề làm bún, nghề sản xuất muối… Đây cũng là thế mạnh để Bạc Liêu giải quyết nhiều việc làm và tạo thu nhập cho lao động nông thôn.
Làng nghề mộc ở xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân (ảnh trên) và làng nghề đan đát ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long). Ảnh: L.D
Một số làng nghề truyền thống đã tồn tại trên dưới 100 năm, và đến nay vẫn còn nhiều gia đình gắn bó với nghề (như nghề sản xuất muối). Một trong những nguyên nhân cơ bản để họ gắn bó với nghề là khả năng tạo ra việc làm, thu nhập khá ổn định. Bên cạnh đó, thông qua làng nghề, nhiều loại phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp có thể tái sử dụng làm nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Đơn cử như nghề đan đát ở huyện Hồng Dân và huyện Phước Long đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương, nhất là lao động nữ. Chỉ tính riêng ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) có 300 hộ làm nghề đan đát (gồm 1.260 lao động) với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/lao động/năm. Hay một số làng nghề có thu nhập khá như làng nghề mộc ở xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân), mỗi lao động có thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Có thể thấy, các làng nghề đã góp phần giải quyết thời gian nông nhàn và tạo thêm tích lũy cho người dân.
Tuy nhiên, hoạt động của các làng nghề truyền thống hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Đó là sản phẩm tạo ra có tính cạnh tranh thấp, thị trường không ổn định và gần như bị động về sản xuất, đặc biệt là khó khăn về vốn và công nghệ. Điển hình như nghề dệt chiếu ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) có gần 60 cơ sở, nhưng chỉ có vài hộ có máy dệt, còn lại là dệt thủ công (mất nhiều thời gian và làm tăng chi phí sản xuất).
Theo ông Huỳnh Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ngan Dừa: “Các làng nghề truyền thống khó tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư máy móc và thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy, cần các chính sách hỗ trợ các làng nghề thông qua ưu đãi lãi suất hoặc đầu tư trực tiếp”.
Bài học kinh nghiệm từ các làng nghề truyền thống ở các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhiều địa phương bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề bằng cách thường xuyên tổ chức các hội thi để quy tụ các nghệ nhân các làng nghề tranh tài. Qua đó cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa làng nghề phục vụ du lịch (như nghề làm đồ mỹ nghệ, trang sức, đá quý, đúc đồng…). Bạc Liêu hoàn toàn có thể làm được điều này vì việc quy tụ các làng nghề không khó, và các làng nghề gần như nằm kế cận nhau (cụ thể là trên địa bàn thị trấn Ngan Dừa có gần 10 làng nghề).
Việc phát huy giá trị kinh tế, văn hóa từ các làng nghề phục vụ giải quyết việc làm, giảm nghèo và làm du lịch đã đến lúc cần được ngành quản lý, các địa phương quan tâm. Giải quyết tốt vấn đề này không chỉ góp phần lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các làng nghề, mà còn giải quyết hiệu quả bài toán “ly nông bất ly hương” cho lao động nông thôn hiện nay.
QUỐC BỬU
- Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình đến Bạc Liêu dự mít-tinh kỷ niệm Ngày 30/4
- Lãnh đạo Tỉnh ủy kiểm tra các hạng mục khánh thành Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu
- Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 - năm 2025
- Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực biên giới biển
- Thẩm định khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất