Phòng, chống đuối nước cho trẻ: Không thể lơ là

Thứ Tư, 17/04/2024 | 15:32

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ, tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn trong tỉnh. Dù nhà trường, chính quyền địa phương đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để dạy bơi và một số kỹ năng xử lý trong môi trường nước… cho trẻ em, nhưng những vụ việc đau lòng do đuối nước vẫn tiếp diễn.

Dạy bơi cho con là việc các bậc phụ huynh nên làm. Ảnh: C.L

Những nỗi đau khôn nguôi

Trước đây, phần lớn các vụ đuối nước thường xảy ra vào mùa hè. Khi đó, các em tham gia nhiều hoạt động vui chơi tự do, trong đó có việc rủ nhau đi tắm mưa, tắm sông. Mùa hè cũng là thời điểm xuất hiện những cơn mưa khiến cho mực nước ở các tuyến kênh, mương quanh nhà dâng cao dễ xảy ra tai nạn với trẻ nếu người lớn thiếu quan sát, lơ là trong việc trông coi, quản lý trẻ nhỏ trong gia đình. Thế nhưng những năm gần đây, tình trạng đuối nước ở trẻ em diễn ra ngay cả trong mùa khô. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Đây không chỉ là nỗi đau khôn nguôi của các gia đình có trẻ bị tai nạn đuối nước mà còn là nỗi day dứt của toàn xã hội.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, hệ thống sông, rạch, vũng nước… cũng là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ.

Bơi là kỹ năng cần thiết nhất để trẻ phòng tránh đuối nước nhưng hầu hết hoạt động dạy bơi cho học sinh chưa thật sự hiệu quả. Ở một số trường tiểu học, nhà trường cũng đã triển khai thí điểm dạy bơi cho học sinh để phổ cập bơi lội, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện không dễ khi các trường không có hồ bơi, không có giáo viên phụ trách… Ngoài ra, phòng tránh đuối nước không chỉ là học bơi mà điều quan trọng hơn nữa là các em cần được chỉ dẫn cũng như cảnh báo nên vui chơi ở đâu, như thế nào… để đảm bảo an toàn.

Cần trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn cho trẻ

Thực tế cho thấy, việc trang bị cho thanh thiếu nhi những kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố, đặc biệt là học sinh ở nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, ngoài việc tăng cường quản lý con em, học sinh thì việc rèn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản cho cuộc sống là điều hết sức cần thiết.

Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không là trách nhiệm của riêng ai mà của toàn xã hội, do đó cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ làm tốt công tác tuyên truyền hội viên, đoàn viên của mình trong giáo dục, nhắc nhở con em về ý thức phòng, chống đuối nước. Các cơ quan thông tin đại chúng cần có các biện pháp thông tin, giáo dục về phòng, chống đuối nước ở trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đặc biệt, chú trọng đến vùng còn khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, cũng như nâng cao ý thức rèn luyện kỹ năng cứu hộ đuối nước của người lớn.

Mặt khác, tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, có giao ước cam kết trong trường học, ấp, khu phố, địa bàn dân cư và gia đình về việc thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước; Đoàn Thanh niên các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức các lớp sinh hoạt hè, thu hút các em học sinh tham gia.

Bà Trần Yến Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Hằng năm, vào mỗi dịp hè, Sở đều phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ từ 9 - 14 tuổi để trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng bơi lội nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn đuối nước”.

Cùng với các giải pháp trên, điều đặc biệt quan trọng là: cha mẹ phải là những người đi đầu trong việc giám sát, khuyên răn con em mình không được tự ý ra sông, suối, ao, hồ, các công trường đang thi công… để tắm, bơi lội nhằm tránh những mất mát đau lòng. Bên cạnh đó, cha mẹ, nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở, giáo dục, đưa ra các dẫn chứng, những vụ việc về trẻ em chết đuối mà các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin để cảnh báo các em. Đoàn Thanh niên các đơn vị, địa phương cũng nên chủ động nhắc nhở, cảnh báo các em trong dịp sinh hoạt hè để mỗi em luôn ý thức được sự nguy hiểm của việc đi tắm, bơi lội ở sông, rạch, ao, hồ...

Mong rằng các bậc phụ huynh, nhà trường, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng, ý thức phòng, chống tai nạn đuối nước cho các em. Bên cạnh đó, cần dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, hạn chế tối đa những cái chết thương tâm, đau lòng.

Song Nguyên

Cách xử lý khi phát hiện có trẻ em đuối nước

Hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy trẻ em bị ngã xuống nước. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, dây, áo phao… để trẻ bám vào các vật dụng này và kéo từ từ vào bờ. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần lấy ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục thao tác lại thêm hai lần như vậy. Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp - 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.