Đời sống - Xã hội
Phòng chống mại dâm: Cần có sự góp sức của toàn xã hội
1/12 là Ngày Thế giới phòng chống AIDS. Chính vì vậy, nhiều hoạt động nhân ngày này đang diễn ra trên khắp thế giới (trong đó có Việt Nam) để tưởng nhớ những người đã mất vì AIDS, cũng như để một lần nữa thế giới khẳng định cam kết phòng chống HIV/AIDS và đấu tranh chống lại kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh. Ở Bạc Liêu trong những ngày này, các cấp, các ngành đang đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống mại dâm, bởi đây là con đường ngắn nhất dẫn đến HIV/AIDS.
Tập huấn cho cán bộ xã, phường tham gia phòng chống tệ nạn xã hội năm 2020.
HOẠT ĐỘNG MẠI DÂM DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Trong báo cáo kết quả phòng chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đánh giá, tình hình mại dâm hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong xã hội văn minh, mỗi cá nhân đều ý thức được tệ nạn mại dâm là một vấn đề ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Tuy nhiên, bên trong đó vẫn còn hoạt động trá hình mại dâm dưới nhiều hình thức.
Dưới cái nhìn của lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội, mại dâm không còn câu móc khách, chèo kéo ngoài đường phố như trước đây, mà mại dâm hiện nay hoạt động chủ yếu ở các quán cà phê đèn mờ, gội đầu, cắt tóc nam, quán karaoke, massage, nhà cho thuê, nhà nghỉ. Mại dâm ngày càng trẻ hóa đội ngũ, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, trào lưu học sinh, sinh viên làm thêm kiếm tiền rất dễ rơi vào các đường dây hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị rủ rê, lôi kéo, bị lừa gạt rơi vào hoàn cảnh này, nhưng đa phần do các chị em lười lao động, đua đòi, thích ăn sung mặc sướng. Chính vì thế, họ rất dễ rơi vào cạm bẫy, có những trường hợp lấy mác học sinh, sinh viên nhưng thực chất là hoạt động trong các đường dây gái gọi. Là tuyên truyền viên của Sở LĐ-TB&XH, bà Trương Kim Ênh nói rằng, có những trường hợp có ngoại hình, có chất giọng, ban đầu đi hát kiếm tiền hoặc phục vụ tại các quán bar, cuối cùng lại rơi vào bẫy của các đường dây hoạt động mại dâm lúc nào không biết.
Trải qua 16 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng chống mại dâm và gần 20 năm thực hiện Chương trình hành động phòng chống mại dâm cho thấy, tệ nạn mại dâm ở Bạc Liêu đã được kiềm chế về tốc độ và phạm vi, số tụ điểm mại dâm công cộng giảm mạnh, nhiều địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn được tình trạng mại dâm đứng đường, chào mời khách ở nơi công cộng.
Bà Trương Kim Ênh cho biết thêm, hiện nay, hoạt động mại dâm xuất hiện nhiều đối tượng, nhiều hình thức, như: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng Internet, Zalo, Facebook… Tình trạng mại dâm sử dụng ma túy ngày càng gia tăng. Đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, chủ yếu là các đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, nghề tự do…
Theo đánh giá của lực lượng công an, tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội; không chỉ nguy cơ lây lan các bệnh xã hội ngày càng gia tăng, mà còn làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng ma túy, mua bán người vì mục đích mại dâm.
Tờ rơi tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội do Sở LĐ-TB&XH phát hành. Ảnh: T.Đ
PHÒNG CHỐNG CÒN NHIỀU GIAN NAN
Có thể nói, mặt trái của sự phát triển kinh tế - xã hội đã làm cho tệ nạn mại dâm từng lúc, từng nơi diễn biến phức tạp, ngày càng đa dạng về hình thức hoạt động và tồn tại song hành với đời sống xã hội. Sự giao thoa, xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại đã làm cho một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ có nhận thức lệch lạc, chạy theo lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, dễ mắc vào tệ nạn mại dâm.
Tuy nhiên, xét ở góc độ chủ quan, một số nội dung văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng chống mại dâm ban hành chưa kịp thời, chưa đồng bộ, bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn. Pháp lệnh Phòng chống mại dâm sau 16 năm thi hành cũng bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế. Việc đầu tư nguồn lực thực hiện công tác phòng chống mại dâm chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể một số địa phương cũng chưa kịp thời đề ra các biện pháp, giải pháp mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống tệ nạn này.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, mặc dù đã được kiềm chế về tốc độ và vi phạm, nhưng công tác phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa vững chắc, còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra; đặc biệt là trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và giao lưu, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế. Tội phạm liên quan tới mại dâm như: chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên, nhất là hành vi mua bán người vì mục đích mại dâm gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, làm tổn hại về sức khỏe, tổn thương về tinh thần và là con đường ngắn nhất dẫn đến căn bệnh HIV/AIDS. Những tồn tại đó đòi hỏi có sự quyết liệt chung tay, góp sức của toàn xã hội thì mới có thể đẩy lùi.
HỮU DUYÊN
Đại dịch AIDS dưới góc nhìn Liên Hiệp Quốc
Hàng chục năm qua, AIDS đã trở thành một vấn đề hiện diện trong đời sống của chúng ta. Trong bài phát biểu của mình nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc từng nói: “AIDS là một bệnh, không giống những căn bệnh chúng ta thường gặp. AIDS là một vấn đề xã hội, là vấn đề về quyền của con người, là vấn đề kinh tế của mỗi quốc gia. AIDS nhắm vào thanh thiếu niên ở tuổi trưởng thành, đúng vào thời điểm sung sức nhất để đóng góp sức mình cho sự nghiệp phát triển kinh tế, trưởng thành về trí tuệ và nuôi dạy thế hệ kế tiếp. Chính AIDS đã và đang gây ra một sự hủy hoại mất cân đối lên người phụ nữ. Chính AIDS là thủ phạm làm cho hàng triệu trẻ em bị côi cút. AIDS tàn phá xã hội cũng như HIV tàn phá cơ thể con người - làm hao mòn sức lực, suy giảm năng lực, ngăn trở công cuộc phát triển và de dọa sự bền vững của xã hội”.
T.Đ (lược trích)
Hãy hành động để chấm dứt đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam
Với chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 (10/11 - 10/12) là “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”, Bộ Y tế đề nghị từng địa phương mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS như: xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điểm cấp phát thuốc Methadone; điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Cùng với đó là vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho người lao động, nhận người lao động là người nhiễm HIV. Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương. Tăng cường các hoạt động phòng chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Kiện toàn, củng cố hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu tại cộng đồng.
Đặc biệt, cần vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc…) tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong đồng bào vùng dân tộc và miền núi…
H.D (TH)
- Quốc hội thảo luận Dự án Luật Nhà giáo và chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam
- Quốc hội bắt đầu đợt 2 thông qua nhiều dự án luật quan trọng
- Bán lẻ tăng tốc, tận dụng cơ hội thị trường cuối năm
- Cần đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp
- TX. Giá Rai: Khẩn trương chuẩn bị đại hội Đảng và hoàn thành nhiệm vụ năm