Quyết liệt thực hiện các chính sách góp phần giảm nghèo bền vững

Thứ Hai, 09/12/2024 | 15:56

Năm 2024 là dấu mốc đặc biệt trong công tác giảm nghèo của tỉnh khi có thêm nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp mới mang dấu ấn riêng của tỉnh được triển khai. Cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc với tâm thế quyết liệt hơn, nhiều địa phương đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bạc Liêu đang nỗ lực, quyết tâm trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo của cả nước.

Doanh nghiệp Bạc Liêu trao biểu trưng tặng sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Linh hoạt thực hiện

Tuy là tỉnh nghèo so với cả nước, nhưng tại Bạc Liêu, công tác chăm lo đời sống người dân, trong đó công tác giảm nghèo đã được chú trọng từ rất sớm. Tỉnh luôn chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách của Trung ương, đồng thời cụ thể hóa cho phù hợp bằng nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động cấp tỉnh, huyện, xã để hỗ trợ người nghèo trên mọi mặt như: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ về y tế, giáo dục, khuyến nông - khuyến lâm, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ tiền điện... Trong đó, trọng tâm là thực hiện các chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí để giảm nghèo bền vững.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngay từ đầu năm; phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, công chức, các hội, đoàn thể phụ trách theo dõi địa bàn, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững. Cùng với đó là chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; vận động các tổ chức, cá nhân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố còn trích ngân sách trên 28 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay, hộ nghèo, các đối tượng chính sách đang được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi để đầu tư vào các mô hình sinh kế như: nuôi tôm, mua bán nhỏ, trồng rẫy..., từ đó giúp hộ nghèo, cận nghèo có thêm nguồn lực, điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trước đây hoàn cảnh của vợ chồng chị Trần Thị My (huyện Vĩnh Lợi) gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất, không  nghề nghiệp ổn định. Chị My được hội, đoàn thể địa phương, giới thiệu vào làm công nhân may của Công ty TNHH MTV Pinetree, còn chồng chị được giới thiệu việc làm tại một công ty thức ăn tôm gần nhà. Tổng thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, nhờ đó kinh tế gia đình dần khởi sắc.

Hay như gia đình bà Nguyễn Thị Phương (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) có đến 6 người, song thu nhập chủ yếu dựa vào 2 công đất nuôi trồng thủy sản và nghề phụ hồ của người chồng, vì vậy cuộc sống cứ mãi thiếu hụt. Năm 2024, bà Phương được UBND xã Hiệp Thành tạo điều kiện cho tham gia lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay 20 triệu đồng đầu tư mô hình bán tạp hóa và nước mía. Với mức thu nhập dao động mỗi ngày từ 200.000 - 250.000 đồng đã giúp cuộc sống gia đình bà Phương ngày càng ổn định.

TP. Bạc Liêu khởi công xây dựng nhà tình thương cho hộ gặp khó khăn về nhà ở của xã Vĩnh Trạch. Ảnh: T.Q

“Đòn bẩy” giảm nghèo

Nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên nên đời sống người nghèo ngày càng ổn định, là “đòn bẩy” để người nghèo vươn lên khá giả. Song thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều hộ nghèo sau khi thoát nghèo vẫn chưa bền vững dẫn đến nguy cơ tái nghèo, thậm chí có người còn mang tư tưởng muốn quay lại diện hộ nghèo để tiếp tục nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Một số hộ nghèo và cận nghèo không có khả năng lao động (như người cao tuổi, khuyết tật, trẻ mồ côi…) gặp rất nhiều khó khăn trong việc vươn lên thoát nghèo.

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, tỉnh tiếp tục xây dựng, thực hiện những chính sách hỗ trợ theo hướng bảo đảm an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội đang được thực hiện một cách có hiệu quả. Phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, đúng mục đích, khơi thông điểm nghẽn để chính sách phát huy hiệu quả. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả chương trình, chú trọng tới việc tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo và từng bước tạo dựng cuộc sống ấm no, ổn định kinh tế, tránh tình trạng tái nghèo.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông; dành nguồn lực ngân sách cho đầu tư công tác giảm nghèo và công tác an sinh xã hội... Cùng với đó, triển khai công tác giảm nghèo bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể với các mô hình thiết thực tạo việc làm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách giảm nghèo trên địa bàn. Tiếp tục huy động nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và đóng góp của Nhân dân cho công tác giảm nghèo. Bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt là khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, cận nghèo…, xem đây là giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh, bền vững.

Mặt khác, thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, ngoài nguồn phân bổ của Trung ương, hiện tỉnh đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân. Tỉnh đề ra mục tiêu, trong giai đoạn 1 hoàn thành gần 800 căn nhà để người nghèo có nhà mới, kiên cố kịp đón Xuân Ất Tỵ 2025. Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang rầm rộ khởi công, xây dựng nhà cho người nghèo. Từng viên gạch được xây lên, từng căn nhà dần hoàn thành là “đòn bẩy” giúp người nghèo có thêm động lực niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn.

Có thể khẳng định, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo đã và đang từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, rút dần khoảng cách giàu - nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, qua đó, niềm tin của Nhân dân với Đảng, với Chính quyền tiếp tục được củng cố. Người dân đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ nguồn đầu tư hỗ trợ từ chính sách để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và chung tay xây dựng cuộc sống ổn định phát triển.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.