Đời sống - Xã hội
Quyết liệt thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Bạc Liêu tuy là tỉnh còn khó khăn so với cả nước, nhưng công tác chăm lo đời sống người dân, trong đó công tác xóa đói giảm nghèo đã được tỉnh chú trọng từ rất sớm. Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động thật sự trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân trên địa bàn tỉnh, là động lực quan trọng mang lại những thành tựu lớn và toàn diện, đã góp phần đạt được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực giảm nghèo.
Chương trình Thắp sáng những ước mơ được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Kết quả khả quan
Cùng với các chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã sớm triển khai chủ trương về việc hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, huy động tất cả các nguồn lực tập trung quyết liệt cho công tác giảm nghèo.
Đầu năm 2016, tỉnh Bạc Liêu có 30.855 hộ nghèo (tỷ lệ 15,55%) và 13.951 hộ cận nghèo (tỷ lệ 7,03%), đứng ở mức cao so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua 5 năm triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn 1.061 hộ nghèo (tỷ lệ 0,47%) và 5.212 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,33%). Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bạc Liêu đã giảm 29.794 hộ nghèo, từ 15,55% xuống còn 0,47% và giảm 8.739 hộ cận nghèo, từ 7,03% xuống còn 2,33%. Riêng năm 2021, toàn tỉnh giảm 268 hộ nghèo, từ 0,47% xuống còn 0,35%; giảm 2.177 hộ cận nghèo, từ 2,33% xuống còn 1,34%.
Kết quả tổng điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 (theo tiêu chí mới), tỉnh Bạc Liêu có 11.497 hộ nghèo (tỷ lệ 5,09%) và 14.755 hộ cận nghèo (tỷ lệ 6,54%). Qua 1 năm triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm 4.264 hộ nghèo, giảm 1,90% (từ 5,09% xuống còn 3,19%); 2.700 hộ cận nghèo, giảm 5,32% (từ 6,54% giảm xuống còn 5,32%). Đến nay, toàn tỉnh còn 7.233 hộ nghèo (tỷ lệ 3,19%) và 12.055 hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,32%).
Để đạt được kết quả khả quan như trên, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có những chỉ đạo kịp thời về hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, UBND tỉnh đã đưa nội dung vào Kế hoạch để triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương nắm thực trạng, nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, hằng năm UBND tỉnh đã ban hành văn bản phân công các cơ quan đơn vị cấp tỉnh và giao trách nhiệm cho các địa phương nhận và giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo thực chất và thiết thực. Qua thống kê đã có 4.348 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương nhận hỗ trợ, giúp đỡ 41.603 lượt hộ nghèo, với số tiền trên 137 tỷ đồng; trong số đó có 41.050 hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo.
Nhiều mô hình hay, ý nghĩa
Tỉnh Bạc Liêu cũng xác định, việc “trao cần câu” giúp hộ nghèo, cận nghèo có sinh kế ổn định là giải pháp thiết thực trong thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Vì thế, những năm qua tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn phối hợp với các cấp, ngành hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, tận dụng tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp, xây dựng các mô hình kinh tế đáp ứng thị hiếu thị trường để tăng thu nhập.
Bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như mô hình “Hỗ trợ phụ nữ già yếu, neo đơn” thành lập đầu năm 2023 của Hội LHPN Phường 3 (TP. Bạc Liêu) đã phát huy được tinh thần “nhường cơm sẻ áo”. Mỗi tháng Hội hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm cần thiết; các chị em phụ nữ trong Hội sẽ phụ trách lau dọn nhà cửa, nấu ăn, giúp giặt quần áo cho các cụ già yếu. Sự quan tâm, chăm sóc như người thân trong gia đình khiến các cụ rất cảm động và biết ơn.
Và còn rất nhiều những hoạt động, mô hình sẻ chia yêu thương đến với những mảnh đời nghèo khó. Đó là mô hình “Bữa cơm nghĩa tình vì người nghèo” của phụ nữ huyện Hồng Dân; tổ “Nhân ái”, nuôi heo đất gây quỹ hỗ trợ phụ nữ khó khăn của phụ nữ TP. Bạc Liêu; “Bếp ăn chay 0 đồng”, “Phụ nữ với công tác từ thiện” của phụ nữ TX. Giá Rai; mô hình “Địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ; mô hình tặng gạo trọn đời, hỗ trợ tiền trị bệnh, tặng bảo hiểm y tế của Ban từ thiện Phật giáo TP. Bạc Liêu…
Để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy theo hướng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kim Phượng
- Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
- Phát triển kinh tế - xã hội: Chờ giải pháp đột phá
- Tinh gọn bộ máy chính trị: Chủ động, hiệu quả và đồng thuận
- Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX
- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu