Sống khổ với hẻm ngập nước

Thứ Tư, 25/09/2024 | 16:59

Từ nhiều năm qua, mỗi khi bước vào mùa mưa là cuộc sống của một bộ phận người dân ở các tuyến hẻm quanh khu vực nôi ô TP. Bạc Liêu và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh lại gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng ngập nước kéo dài.

Hẻm 20 (ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi)  thường xuyên ngập nước. Ảnh: C.L

Sinh hoạt đảo lộn

Trước đây mỗi khi vào mùa mưa, thường chỉ có người dân ở các tuyến hẻm nội ô khu vực TP. Bạc Liêu và một số địa phương dọc theo trục tuyến kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau mới lo ngập úng kéo dài vì địa hình thấp, trũng. Thế nhưng hiện nay, mối lo ngại này xuất hiện ở nhiều nơi, ngay cả những địa bàn lâu nay vốn được biết đến như vùng cao ráo, ít ngập.

Theo nhiều hộ dân sống trong các tuyến hẻm dân cư nằm dọc theo tuyến quốc lộ đoạn từ ngã 5 vòng xoay đến khu vực chân cầu Cái Dầy (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi), nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước kéo dài triền miên trong những năm gần đây là do mặt đường tuyến Quốc lộ 1 được nâng cấp cao hơn các tuyến hẻm nên mỗi khi mưa lớn, nước từ các tuyến kênh nội đồng tràn lên, cộng với lượng nước mưa từ các cống thoát chảy tràn vào các tuyến hẻm. Bà Huỳnh Thị Quắn (ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng) chia sẻ: “Trước đây con hẻm này nhỏ hẹp, ngập nước khó đi lắm. Chính quyền địa phương và người dân đã đồng lòng nâng cấp, mở rộng hẻm giúp việc đi lại thuận tiện hơn. Thế nhưng, tình trạng ngập úng thì vẫn còn. Do ngập nước lâu ngày nên mặt hẻm trơn trượt, khó đi, không khéo và không quen đường là té ngã liền”.

Tương tự, dù nằm ở trung tâm thành phố nhưng nhiều năm nay người dân sống ở hẻm 16 (đường 23 tháng 8, khóm Trà Kha, Phường 8, TP. Bạc Liêu) rất khốn khổ vì con hẻm này thường xuyên bị ngập nước kéo dài sau mỗi trận mưa lớn. Theo phản ánh của người dân trong khu vực, cứ sau mỗi trận mưa lớn là hẻm lại ngập, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân và ảnh hưởng đến môi trường vì nước đọng gây mùi hôi khó chịu. Ông Diệp Thanh Tùng - một người dân ở đây cho biết: “Do mặt hẻm thấp, một số đoạn trong hẻm bị trũng nên mỗi lần có mưa lớn là nước từ đường 23 tháng 8 tràn xuống gây ngập. Con hẻm không có rãnh thoát nước, hai bên nhà dân san sát nên mỗi lần ngập như vậy thường kéo dài từ 5 - 10 ngày mới khô ráo trở lại, gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân”. Không chỉ gây khó trong việc đi lại, nước mưa ứ đọng, rồi nước thải sinh hoạt từ các ngôi nhà xung quanh hẻm đổ ra khiến đoạn ngập úng càng bốc mùi hôi rất khó chịu. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, họp khóm, bà con cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp, các ngành, địa phương xem xét giải quyết.

Không riêng gì địa bàn TP. Bạc Liêu hay huyện Vĩnh Lợi, người dân nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng kêu khổ vì tình trạng ngập nước. Điển hình như phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai) từ lâu cũng là “điểm trũng” thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt cục bộ do triều cường dâng cao. Để “thích ứng” với tình trạng ngập nước thường xuyên diễn ra, bà con nơi đây chỉ còn cách di dời đồ đạc, tài sản có giá trị lên vị trí cao hơn để tránh hư hại. Đồng thời, xây dựng các “đập ngăn” trước nhà để hạn chế nước tràn vào ảnh hưởng đến sinh hoạt. Anh Nguyễn Văn Út, người thường xuyên “sống chung với ngập” than thở: “Nhà tôi nằm sát mặt lộ, mấy năm nay cũng đã nâng nền 2 lần rồi, vậy mà mùa nào nước triều cường dâng cũng bị ngập. Giờ đồ đạc, điện sinh hoạt trong nhà phải mắc cao, khoan tường làm giá treo lên… Mọi sinh hoạt gần như bị đảo lộn vì tình trạng ngập nước thường xuyên”.

Cần chung tay, góp sức

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng kéo dài là do các con hẻm thường có công trình thoát nước rất thấp, hệ thống thoát nước nhiều nơi không còn tác dụng thoát nước. Mặt khác, do các kênh, rạch trong nội ô mất dần, hoặc bị bồi lấp, xây dựng lấn chiếm, biến dạng, mất khả năng tiêu thủy, dẫn đến tình trạng ứ đọng nước mưa, nước thải, gây ngập, nghẹt.

Hằng năm, trước khi mùa mưa đến, công nhân Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh đều sên vét tất cả các tuyến cống thoát nước trong khu vực địa bàn thành phố. Thế nhưng, công tác chống nước ngập vẫn còn nhiều khó khăn. Hệ thống các cống xây dựng thiếu đồng bộ, chưa đúng quy hoạch nên khi nước ngập, các cống không thể phát huy được vai trò thoát nước. Ngoài ra, việc thiếu ý thức trong xả rác thải của một bộ phận người dân cũng làm hạn chế đến tiêu thoát nước trên các tuyến đường.

Để có thể xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng cục bộ ở các tuyến hẻm, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong việc huy động sức người, sức của để nâng cấp, mở rộng lộ hẻm cũng như xây dựng hệ thống thoát nước thì rất cần sự chung tay, góp sức của người dân trong việc gìn giữ và phát huy tối đa hiệu năng của các công trình. Nhất là việc thu gom, tập kết rác đúng nơi quy định, thường xuyên tổ chức các đợt ra quân quét dọn rác thải, bùn, đất đọng lại trên mặt đường để hạn chế tình trạng rong, rêu bám tạo thành những cái bẫy cho người và phương tiện khi lưu thông.

“Từ nay đến cuối năm khả năng cao sẽ còn xuất hiện nhiều đợt mưa kéo dài và triều cường dâng cao. Do đó, bà con cần chủ động các phương án ứng phó để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do nước ngập gây ra. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi các dự báo của ngành Thủy văn để chủ động trong mùa vụ sản xuất cũng như sinh hoạt hàng ngày”, ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.