Đời sống - Xã hội
Tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chính sách về lao động - việc làm, tạo điều kiện để người dân hiểu, tiếp cận và thực hiện tốt chính sách giải quyết việc làm, qua đó góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Đồng thời, tạo thêm động lực để các địa phương từng bước hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Lớp dạy đan sợi nhựa cho phụ nữ huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L
Truyền nghề theo nhu cầu
Trước đây, công tác dạy nghề thường không chú trọng đến nguyện vọng của người lao động (NLĐ), không bám sát nhu cầu thực tế của thị trường lao động mà chỉ chú trọng đến “chỉ tiêu” mở đủ lớp, đủ người. Chính vì vậy, nhiều học viên sau khi tốt nghiệp không thể tìm được việc làm, hoặc làm những ngành nghề không qua đào tạo sau khi được tuyển dụng, từ đó, hiệu quả thiết thực mà công tác này mang lại chưa thật sự rõ nét.
Nhận thấy những tồn tại, hạn chế này, những năm qua, các địa phương trong tỉnh không ồ ạt tổ chức các lớp đào tạo nghề tập trung để chạy theo thành tích mà đi sâu, đi sát vào thực tế nhu cầu cần thiết của NLĐ. Điển hình là công tác dạy nghề đan đát truyền thống ở làng nghề Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), nghề chằm nón lá ở xã Vĩnh Thanh; dạy nghề đan lục bình, sợi nhựa ở huyện Hồng Dân; nghề đan, vá lưới ở huyện Đông Hải; kỹ thuật canh tác lúa thông minh cho người dân huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình… Do gắn liền với thực tiễn sản xuất tại chỗ nên đa phần sau khi được đào tạo nâng cao tay nghề, đội ngũ lao động nông thôn đều có việc làm và có thêm nguồn thu nhập ổn định. Chị Nguyễn Thị Diễm (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Trước đây, chị em thường không biết làm gì với quỹ thời gian nông nhàn của mình, cũng như không tìm được việc làm thời vụ để có thêm thu nhập. Nhưng từ khi tham gia học các lớp học đan sợi nhựa, đan lục bình…, nhiều chị em đã có thêm việc làm và nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao mức sống của gia đình”.
Song song với công tác dạy nghề, truyền nghề cho đội ngũ lao động nông thôn thì việc tạo điều kiện cho NLĐ, nhất là nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới là rất cần thiết. Bởi đây là lực lượng lao động chính ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân. Trong lĩnh vực trồng trọt, người dân phải biết sử dụng giống lúa có chất lượng cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất; ủ phân hữu cơ; thuốc bảo vệ thực vật sinh học; sản xuất rau quả trong nhà màng, nhà lưới áp dụng biện pháp tưới và cung cấp dinh dưỡng tự động...
Tạo điều kiện về vốn
Xác định vốn là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của lao động ở các địa phương, việc cung cấp vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh của các hộ nông dân là hết sức cần thiết. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách cụ thể thiết thực để giúp nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi nhất như: chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất. Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị; chính sách giảm lãi suất cho vay khi người dân mua bảo hiểm trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với lĩnh vực nông nghiệp như cho vay liên kết, cho vay qua tổ, nhóm.
Ông Trịnh Văn Ngan - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đồng Tâm (huyện Vĩnh Lợi), cho biết: “Việc tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay ưu đãi giúp HTX cũng như nhiều xã viên giải quyết được vấn đề về vốn trong việc phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ cũng tạo điều kiện cho các HTX chủ động trong việc nhập các loại phân, thuốc, giúp kéo giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân”.
Theo kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2023, Sở LĐ-TB&XH phấn đấu nâng số lao động qua đào tạo lên 14.000 người. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 69,43%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 26,57%. Đồng thời, giải quyết việc làm trong nước cho 18.500 người và đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Để hoàn thành mục tiêu này, các địa phương cần có những chính sách kịp thời, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội về việc làm cho lao động nông thôn. Mỗi địa phương cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến mở rộng sản xuất phát triển kết cấu hạ tầng, tận dụng thế mạnh của các địa phương để phát triển kinh tế bao gồm cả nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Điều này sẽ có vai trò to lớn trong giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Chí Linh
- Bắt giữ tàu vận chuyển khoảng 100 ngàn lít dầu DO trái phép
- Công bố các quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp bộ máy và công tác cán bộ
- Thủ tướng Chính phủ bấm nút khai trương Hệ thống điều phối dữ liệu y tế
- Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông Duyên Hải năm 2025
- Huyện Phước Long: Tuyển chọn 176 công dân nhập ngũ năm 2025