Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu, 06/09/2024 | 14:23

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án và góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của tỉnh.

Sacombank hỗ trợ 20 tỷ đồng để xây dựng 400 căn nhà tình thương cho người nghèo và gia đình chính sách. Ảnh: L.D

TRIỂN KHAI NHIỀU DỰ ÁN

Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều dự án và tiểu dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Cụ thể như Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tập huấn; đồng thời phối hợp với Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện các chuyên trang, phóng sự về giảm nghèo và các nội dung liên quan đến chương trình. Hay Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực thực hiện chương trình, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Trường đại học Lao động - Xã hội (cơ sở II) tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức 7 lớp tập huấn cho 1.100 đại biểu là thành viên Ban chỉ đạo các cấp và cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo. Đồng thời, tổ chức 7 lớp tập huấn về Chương trình MTQG giảm nghèo cho 1.536 đại biểu là Trưởng khóm, ấp và cán bộ đoàn thể ấp. Tổ chức đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về Chương trình MTQG giảm nghèo tại 2 tỉnh khu vực Tây Bắc (Sơn La và Lào Cai). Tham gia các lớp tập huấn Chương trình MTQG giảm nghèo do Trung ương tổ chức và in ấn, phát hành 10.000 sổ tay và 20.000 tờ rơi tuyên truyền về Chương trình MTQG giảm nghèo. Hoặc trong thực hiện Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan như: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở NN&PTNT, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu tiến hành kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các dự án và đẩy mạnh triển khai giải ngân nguồn vốn của chương trình. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, phúc tra kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình làm nông - ngư - lâm - diêm nghiệp. Tổng kết, đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân, gương điển hình trong công tác giảm nghèo…

NHIỀU TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC

Sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gắn với triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, các chính sách, chương trình, kế hoạch và các dự án, tiểu dự án nên công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cùng với hỗ trợ, tạo điều kiện về sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát và phản biện; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp… đã tạo ra sức lan tỏa, đồng thuận hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Theo đó, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ đã tạo điều kiện ngày càng tốt hơn về nguồn lực cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, các chính sách, dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được quan tâm tổ chức triển khai tốt, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ giảm hộ nghèo năm sau tăng so với năm trước. Trong đó, phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được hưởng ứng và triển khai thi đua thực hiện hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Đặc biệt là công tác nhận hỗ trợ và giúp đỡ hộ nghèo tiếp tục được lan rộng. Tính đến tháng 7/2024, toàn tỉnh có 69/70 đơn vị nhận giúp đỡ 273/277 hộ nghèo, với số tiền hơn 1,57 tỷ đồng, đạt 98,55% chỉ tiêu được giao. Cùng với đó, một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các nguồn lực của phát triển, tạo nhiều việc làm và tăng thêm thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng như: nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập…

Phải khẳng định rằng, hiệu quả của Chương trình MTQG giảm nghèo đã tác động tích cực và giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên, tạo thu nhập để phát triển, vượt qua tình trạng đói nghèo, tự giải quyết những nhu cầu thiết yếu của cá nhân và gia đình. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo cũng như việc nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân để chủ động tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo...

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, vẫn còn một số địa phương quan tâm chưa đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, nhất là ở cơ sở. Điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh còn khó khăn, nên việc giải quyết nhu cầu việc làm và đa dạng sinh kế của người dân địa phương còn hạn chế. Tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng vẫn còn trong một bộ phận hộ nghèo. Một số dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến nay chưa triển khai do chưa ban hành được các văn bản quy định cơ sở về pháp lý để các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện…

TRUNG CƯỜNG

Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác giảm nghèo, Bạc Liêu sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo.

Tập trung hỗ trợ nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo có lao động bằng cách hỗ trợ phát triển sản xuất, vay vốn ưu đãi, hướng dẫn chuyển giao khoa học - công nghệ, cung cấp kiến thức, tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở thực tế từng địa phương. Tạo điều kiện cho lao động nghèo tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; phân công cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đối với nhóm hộ nghèo không có lao động trong hộ sẽ vận động con cháu, anh chị em, người thân, họ hàng đưa các thành viên hộ nghèo là người già, trẻ em về cùng sống với gia đình mình.

Tập trung kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo bền vững, sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức hội, đoàn thể để khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh, điều kiện của từng hộ nghèo, cùng với sự trợ lực của toàn xã hội nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo. Tránh tình trạng dựa dẫm vào nguồn lực của Nhà nước hoặc xóa bỏ mặc cảm tự ti, tự bản thân mỗi hộ nghèo phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết đánh giá hàng năm, giai đoạn để kịp thời có các giải pháp hỗ trợ các điạ phương khắc phục những tồn tại, khó khăn. Thực hiện cơ chế hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua các chương trình, dự án đã được phê duyệt, đồng bộ các giải pháp, nhằm tạo điều kiện để các hộ nghèo tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Phát huy sức mạnh toàn xã hội để kêu gọi, huy động nguồn lực từ xã hội hóa để hỗ trợ có hiệu quả cho người lao động, hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.