Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững

Thứ Tư, 19/10/2022 | 15:40

Thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 và Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy đã ban hành NQ 13 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025. Qua đó, dấy lên phong trào thi đua chung sức vì người nghèo và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng thực hiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

 Sở Tư pháp tặng nhà tình thương cho hộ nghèo huyện Vĩnh Lợi.

NHIỆM VỤ CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Có thể nói, chăm lo cho hộ nghèo gắn với thực hiện “chỉ số hạnh phúc” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Với sự nỗ lực ấy, Bạc Liêu được xem là điểm sáng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước về công tác giảm nghèo. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua nhiều năm, từ 15,55% cuối năm 2015 xuống còn 0,35% vào cuối năm 2021.

Phát huy kết quả này và quyết tâm thực hiện thắng lợi NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững, NQ 13 đề ra mục tiêu chung là: Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm dần khoảng cách thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn. Hạn chế thấp nhất tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, sinh kế và tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH), nhất là các địa phương còn gặp nhiều khó khăn; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội bền vững…

Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, một trong những giải pháp hàng đầu chính là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và sự điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo bền vững. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giảm nghèo bền vững. Hằng năm, đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH ở địa phương. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí cấp ủy viên phụ trách địa bàn theo dõi, chỉ đạo công tác giảm nghèo, nhất là định hướng giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp và ngành Lao động đối với công tác giảm nghèo bền vững; chú trọng gắn kết công tác giảm nghèo với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tăng cường huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo. Khắc phục triệt để bệnh chạy theo thành tích và tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững…

Mô hình nuôi dê sinh sản có hiệu quả của hộ nghèo ở huyện Hồng Dân. Ảnh: T.A

PHÁT HUY TINH THẦN “TƯƠNG THÂN, TƯƠNG ÁI”

Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, chống tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững. Qua đó nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến về hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc đối với người nghèo. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo tham gia học nghề, tìm việc làm ổn định; tích cực lao động sản xuất; khơi dậy ý chí quyết tâm, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu đặt ra đối với công tác giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay; kịp thời biểu dương các cá nhân, tập thể có các mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững. Đi cùng với đó là đẩy mạnh chính sách phát triển KT-XH liên vùng; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào vùng còn nhiều khó khăn gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tăng cường thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp phục vụ phát triển KT-XH và thu hút lao động trên địa bàn, đặc biệt là lao động nghèo nhằm giải quyết việc làm, giúp họ có thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, cũng cần đổi mới tư duy, phương thức giảm nghèo theo hướng hỗ trợ người nghèo có năng lực sản xuất, có việc làm và thu nhập ổn định, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần giảm phát sinh hộ nghèo mới và chống tái nghèo…

TRẦN YẾN

----------------------

* Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn dưới 1% (năm 2022 giảm 1,5%, từ năm 2023 đến năm 2025 mỗi năm giảm 1%). Trong đó, khu vực nông thôn giảm còn dưới 2%; khu vực thành thị (gồm các phường, thị trấn) giảm còn dưới 1% hộ nghèo (trừ hộ nghèo là đối tượng bảo trợ xã hội); tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1%; không có hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách và người có công với cách mạng.

* Đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi, đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn, định hướng nghề nghiệp và được giới thiệu việc làm để có thu nhập ổn định.

Tập trung thực hiện nâng cao các chỉ số thiếu hụt cơ bản còn ở mức cao của hộ nghèo, cận nghèo.

* Phấn đấu mỗi năm vận động đóng góp Quỹ An sinh xã hội - Vì người nghèo các cấp đạt ít nhất 100 tỷ đồng. Hằng năm, các sở, ban, ngành, địa phương và vận động doanh nghiệp nhận hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất 3.000 hộ nghèo, cận nghèo.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.