Đời sống - Xã hội
Tiếng loa rao hàng...
Nếu các nhà sản xuất, kinh doanh lớn thu hút khách hàng bởi các kiểu quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu người tiêu dùng mua sản phẩm của mình, thì những người bán hàng rong cũng có một “công nghệ quảng cáo” rất riêng. Đó là sáng tạo ra những câu rao, chào hàng rất “vui, lạ”.
![]() |
Thu hút khách hàng bằng những tiếng rao vui mới lạ để bán những đồ vật linh tinh. Ảnh: N.C |
Tuy chưa một lần ghé lại xem hàng, nhưng những tiếng rao đó thật sự gây ấn tượng với tôi. Anh Nguyễn Văn Hà (quê ở An Giang) xuống Bạc Liêu kiếm sống bằng nghề bán hàng rong (quần áo), cho biết: “Tôi không biết câu rao này do ai nghĩ ra nữa, nhưng mà dân trong nghề cứ người này truyền người kia, riết rồi thuộc lòng”. Cuộc sống của những người bán hàng rong như anh Hà cũng rất bấp bênh do phải thường xuyên xa gia đình, đi qua rất nhiều nơi, nhiều chợ để bán hàng. Anh Hà tâm sự: “Ở nhà cũng có mấy công ruộng nhưng làm chẳng đủ ăn. Nghe bạn bè rủ làm nghề này kiếm sống được, nên tôi cũng làm theo. Tuy cũng có thu nhập nhưng nghề này cực lắm!”.
Trong thời buổi kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, người tiêu dùng cũng rất dè sẻn trong việc chi tiêu. Thế nên, việc thu hút khách đến mua mặt hàng mình đang bán là một việc làm không phải dễ. Chị Nguyễn Tú Anh (phường 1, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Giờ đi chợ cái gì cũng tăng giá nên phải tính toán đến chi tiêu. Nhiều lần đi chợ nghe tiếng rao hàng hay hay, vui tai nên tôi cũng ghé qua xem hàng, giá cả cũng không mắc lắm”. Không chỉ những người bán hàng rong, mà không ít người bán trái cây hay bán giày dép… cũng sử dụng “công nghệ rao hàng” này để gây ấn tượng với khách.
Ngày nay, máy móc được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Vì thế, người bán hàng, nhất là những người bán hàng rong, cũng tận dụng sự tiện lợi của nó để làm tiếng rao mời, chào hàng. Chiếc loa sẽ giúp tiếng rao hàng vang xa hơn và họ hy vọng bán được nhiều hàng hơn.
Với chiếc máy cassette tự chế, một cuộn băng được thu sẵn tiếng, và chiếc xe máy - đó là “cần câu cơm” mà anh Lê Hữu Ba (huyện Vĩnh Lợi) sử dụng để bán bánh mì bơ sữa dạo. “Bánh mì bơ sữa, đặc ruột thơm ngon, nóng giòn, 2.000 đồng một ổ”. Tiếng loa rao ấy luôn vang lên ở những con đường nội ô trong TP. Bạc Liêu - nơi có đông người qua lại. Anh Ba bày tỏ: “Trước đây, tôi phải rao bằng miệng, có hôm về khan cả cổ chẳng ăn uống gì nổi. Từ khi có cái máy cassette “rao” giùm nên tôi khỏe hơn nhiều, mà bán cũng được nhiều bánh hơn trước”.
Tuy nhiên, dù các thiết bị điện tử có giúp chúng ta được nhiều việc, nhưng hình ảnh anh bán cà rem với chiếc xe đạp cũ kỹ, tiếng chuông leng keng vang lên giữa buổi trưa hè nắng gắt hay tiếng rao của chị ve chai (“Ve chai, dép đứt, mủ bể, lông vịt bán hông…?”) luôn là những tiếng rao quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Và phía sau những tiếng rao ấy là một phận người, một phận đời phải vật lộn với cuộc mưu sinh đầy gian truân, vất vả.
Nguyễn Chí
- Kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Hội thảo và tuyên dương tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 1975 - 2025
- Công bố Quyết định hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu
- Phát động Tháng công nhân - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025”